Vòng quanh Thế giới

'Bố già' mafia giả điên gần 30 năm để qua mặt giới chức Mỹ

Theo VnExpress
Chia sẻ

Từ năm 1969, Gigante giả điên bằng cách mặc áo choàng tắm ra đường và lẩm bẩm một mình cho đến khi bị phanh phui năm 1997.

Vincent Gigante tại New York năm 1957. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Vincent Gigante điều hành gia đình tội phạm Genovese tại New York từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000 (thế giới ngầm New York do 5 đại gia đình mafia chi phối). Gigante biết rằng ông ta luôn trong tầm ngắm của lực lượng hành pháp và khi nhìn những tên trùm của các gia đình khác bị tống vào tù, Gigante nghĩ ra cách để tránh rơi vào tình cảnh tương tự: giả vờ bị bệnh tâm thần.

Gigante sinh ra ở New York năm 1928, có bố mẹ là người Italy di cư từ Naples. Gigante bỏ học vào năm lớp 9 và năm 16 tuổi bắt đầu sự nghiệp quyền anh trong một thời gian ngắn, thắng 21 trong số 25 trận đấu.

Vào khoảng thời gian đó, Gigante trở thành tay sai của Vito Genovese, thành viên của gia đình mafia Luciano. Nhóm này tham gia vào các hành vi bảo kê, giết người, tống tiền, đánh bạc bất hợp pháp, buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi, cá cược, cướp xe, lừa đảo, mại dâm, hối lộ và hành hung.

Từ năm 17 đến 25 tuổi, Gigante bị bắt 7 lần với những cáo buộc như trộm xe hay đốt phá. Hầu hết các cáo buộc bị bác bỏ, hình phạt nặng nhất Gigante phải hứng chịu là 60 ngày tù vì đánh bạc bất hợp pháp.

Năm 1957, Gigante được Vito Genovese giao nhiệm vụ giết Frank Costello, thành viên mafia vai vế trong tổ chức, để tranh giành quyền lực. Sau khi ám sát thất bại, Gigante bị bắt nhưng thoát tội vì Costello không xác định danh tính kẻ tấn công.

Vito Genovese sau đó trở thành ông trùm đứng đầu gia đình tội phạm Luciano và đổi tên tổ chức thành gia đình Genovese. Năm 1959, Gigante và Genovese bị kết tội buôn bán heroin. Genovese bị kết án 15 năm tù trong khi Gigante lĩnh 7 năm tù. Thẩm phán ra phát quyết như vậy vì nhiều cư dân ở Greenwich Village và Little Italy (khu phố có nhiều người gốc Italy ở Manhattan) đã gửi thư ca ngợi phẩm chất và các đóng góp của Gigante cho hoạt động thanh thiếu niên.

Gigante được ân xá sau 5 năm ngồi tù và nhanh chóng thăng tiến trong băng nhóm mafia, trở thành đội trưởng điều hành một số đàn em trong địa bàn ở Greenwich Village.

Vito Genovese tại New York vào năm 1959. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Năm 1969, Gigante bị cáo buộc cố gắng mua chuộc sở cảnh sát Old Tappan để họ báo tin nếu ông ta bị theo dõi. Cáo buộc bị bác bỏ sau khi các luật sư của Gigante lập luận rằng ông ta có vấn đề tâm thần nên không đủ khả năng hầu tòa.

Gigante đã vào viện tâm thần 22 lần từ năm 1969 đến 1990. Gần như ngày nào ông ta cũng mặc áo choàng tắm hay áo ngủ ra đường rồi lẩm bẩm một mình, “trò chuyện” với đồng hồ tính thời gian đỗ xe hay đi tiểu bậy ở Greenwich Village.

Luật sư và người thân của Gigante bác bỏ cáo buộc ông ta liên quan đến mafia, họ nói rằng thật ngớ ngẩn khi tin một người có vấn đề tâm thần có thể đứng đầu một tổ chức tội phạm lớn. “Vincent bị bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng. Anh ấy luôn gặp ảo giác, tình trạng này đã diễn ra từ năm 1968”, Louis, em của Vincent Gigante, nói.

Chính phủ đã cho nhiều bác sĩ tâm thần kiểm tra Gigante, bao gồm bác sĩ từ Đại học Harvard và Đại học Y New York. Những người này đều nói rằng Gigante không đủ khả năng hầu tòa.

Vincent Gigante (thứ hai từ trái sang) mặc áo choàng tắm tại Greenwich Village vào thập niên 1980. Ảnh: FBI.

Nhưng tất cả chỉ là một màn diễn, Gigante hoàn toàn bình thường. Năm 1981, Gigante vươn lên trở thành người đứng đầu gia đình tội phạm Genovese nhưng ông ta không bao giờ trực tiếp ra mặt. Gigante phong một số thân tín làm ông trùm giả để đánh lừa cảnh sát. Thực chất, những người này chỉ là “bù nhìn”, Gigante mới là kẻ điều hành thật sự. Ông ta đã ra lệnh cho đàn em giết một số thành viên của các băng nhóm khác.

Con gái của Gigante, Rita, năm 2013 kể rằng bố cô không bao giờ nói chuyện điện thoại vì sợ bị nghe lén. Ông cũng ít khi trò chuyện vì sợ người khác có thể nghe thấy giọng nói bình thường của mình. Bất cứ khi nào Gigante nói, ông ta bật tivi hoặc radio để giọng khó bị nhận ra hơn. Tất cả cửa sổ trong nhà luôn bị che rèm vì Gigante sợ ai đó sẽ thấy ông ta cư xử bình thường chứ không giống bệnh nhân tâm thần và có thể ghi hình.

Khi cần nói chuyện với các thành viên băng nhóm, ông ta chỉ thì thầm. Gigante còn đặt ra quy định rằng bất cứ tay sai nào nhắc đến tên ông ta đều phải bị giết ngay tại chỗ. Khi các đàn em muốn ám chỉ Gigante, họ ra ký hiệu là chỉ vào cằm hoặc tạo chữ “C” bằng ngón cái và ngón trỏ.

Năm 1990, Gigante bị bắt và bị buộc tội tống tiền và giết người. Các luật sư của Gigante đã đưa ra nhiều nhân chứng để chứng minh Gigante bị bệnh tâm thần và không thể ra tòa.

Tuy nhiên, bí mật của Gigante bị phanh phui khi 4 thành viên cấp cao của các gia đình mafia khác hợp tác với chính phủ. Salvatore “Sammy the Bull” Gravano, thành viên của gia đình Gambino, năm 1991 khai rằng ông ta đã gặp Gigante hai lần và luôn thấy Gigante hoàn toàn tỉnh táo. Các nhân chứng khác cũng lập luận rằng Gigante sẽ không bao giờ được thế giới ngầm New York công nhận là ông trùm nếu các gia đình mafia khác tin rằng ông ta bị điên.

Năm 1997, thẩm phán liên bang phán yêu cầu Gigante hầu tòa. Ở tuổi 69, Gigante bị kết án 12 năm tù. Năm 2003, Gigante thừa nhận đã giả điên khi đối mặt thêm cáo buộc cản trở công lý.

“Trò gian trá đã bị lật tẩy”, công tố viên liên bang Roslynn Mauskopf nói. “Vincent Gigante là một kẻ lừa đảo xảo quyệt”.

“Nếu có giải Oscar cho màn trình diễn xuất sắc nhất trong việc điều hành một gia đình mafia thì ông ta chắc chắn sẽ thắng giải”, phóng viên chuyên viết về tội phạm ở New York Larry McShane viết. Truyền thông đặt cho Gigante biệt danh là “bố già quái đản” và “người bí ẩn trong áo choàng tắm”.

Theo các công tố viên Mỹ, ngay cả khi đã vào tù, Gigante vẫn nắm quyền lực và chỉ đạo đàn em từ xa cho đến năm 2003. Khi Gigante mới vào tù, lính canh Christopher Se.xton hỏi ông ta có cần được bảo vệ trước các tù nhân khác vì ông ta đã già yếu hay không, Gigante trả lời: “Không ai dám gây sự với tôi”.

Gigante chết trong tù vào năm 2005. Ông ta được FBI và các công tố viên nhớ đến là tên trùm mafia khó đưa ra xét xử nhất. “Ông ta có lẽ là trùm tội phạm có tổ chức thông minh nhất mà tôi từng thấy”, John S. Pritchard, cựu nhân viên FBI dẫn đầu cuộc điều tra gia đình Genovese vào những năm 1980, nói.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất