Vòng quanh Thế giới

'Bó chân gót sen': Đẹp ở đâu khi bàn chân rỉ máu, biến dạng cả đời?

Hà Phương
Chia sẻ

Đôi chân gót sen ở Trung Quốc xuất hiện cách đây hơn 1.000 năm, được coi là chuẩn mực của cái đẹp thời bấy giờ.

Lịch sử loài người ghi nhận nhiều tục lệ làm đẹp hết sức rùng mình. Trong số đó phải kể đến tục bó chân gót sen của người phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến.

Chân gót sen ra đời như thế nào?

Truyền thuyết kể lại rằng, dưới thời Nam Đường (937-975), những điệu múa uyển chuyển, thướt tha của một cung nữ và hình ảnh gót chân nhỏ bé quấn lụa của cô lướt trên sàn như chốn bồng lai tiên cảnh khiến ai nhìn cũng phải say lòng.

Đôi chân gót sen - chuẩn mực của cái đẹp thời phong kiến Trung Quốc.

Các cung tần, phi tử cho rằng chính đôi chân gót sen ấy đã khiến hoàng đế si mê vàcũng bắt chước theo với mong muốn được đàn ông để ý. Tục bó chân bắt đầu lan rộng ra toàn xã hội Trung Quốc. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, các thiếu nữ vẫn mê mẩn đôi gót sen bé xíu. Họ gọi đôi bàn chân này bằng những cái tên mỹ miều như chân gót sen, gót huệ,…

Người phụ nữ Trung Quốc cũng từng tin rằng bó chân sẽ mang lại sức khỏe và tăng cường khả năng sinh sản cũng như khiến họ trở nên quyến rũ hơn. Không chỉ vậy, gót sen được coi là chuẩn mực của cái đẹp, là biểu tượng cho sự cao quý thời bấy giờ.

Người con gái muốn có cuộc sống tốt hơn đồng nghĩa với việc họ phải bó chân.

Các bé gái bị bó chân đang tập múa tại một trường nghệ thuật ở Bắc Kinh năm 1934.

Người con gái không có chân gót sen thường bị người đời dè bỉu, khinh bỉ. Con gái quý tộc không bó chân không thể lấy chồng môn đăng hộ đối, con gái trong gia đình nghèo khó rất dễ bị xô vào kiếp nô lệ, khó mà ngóc đầu lên được. Vào thế kỉ 19, ước tính có tới 50% phụ nữ Trung Quốc bó chân và tỉ lệ bó chân ở phụ nữ quý tộc là 100%.

Quy trình tạo ra chân gót sen

Thông thường, các bé gái bắt đầu bó chân từ 2 đến 5 tuổi bởi đây là khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện, dễ bó nhất.

Đầu tiên, chân của các bé gái sẽ được ngâm trong nước ấm pha với thảo dược và máu động vật để tránh nhiễm trùng. Đến khi đôi bàn chân có vẻ mềm, người ta sẽ xoa bóp nhẹ nhàng rồi dùng lực mạnh bẻ quặp các ngón chân xuống và ép vào lòng bàn chân. Từng ngón chân và xương vòm bị bẻ gãy rồi cả bàn chân được quấn lại thật chặt trong một dải lụa dài.

Wang Guifeng (79 tuổi) đang “khoe” đôi bàn chân biến dạng của bà, đôi gót sen đẹp nhất trong làng thời bấy giờ.

Thông thường, các gia đình sẽ không để mẹ bó chân cho con gái vì sợ mẹ xót con nên sẽ quấn băng lỏng ra một chút. Thỉnh thoảng người ta sẽ tháo băng vải ra, đánh thật mạnh vào chân các bé gái để làm vỡ xương chân rồi buộc chặt hơn khi quấn vải lại. Không chỉ vậy, lúc đó người con gái còn phải đi lại để bàn chân biến dạng hơn nữa.

Đối với các gia đình nông thôn, việc bó chân thường diễn ra muộn hơn và bó lỏng hơn vì người phụ nữ còn phải làm việc đồng áng. Còn với những gia đình quý tộc, người con gái sẽ phải chịu nhiều đau đớn, đến nỗi họ không thể đi bộ nếu không có người dìu.

Chân gót sen: Nỗi đau đeo đẳng cả một đời

Chỉ vì muốn được gả vào gia đình danh giá và có “cái mác” cao quý mà người phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến phải chịu biết bao đau đớn. Theo ông John Vollmer, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về các tập tục của châu Á cho biết, phụ nữ bó chân rất dễ bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân là do móng chân sẽ mọc dài ra, đâm sâu vào thịt, từ đó làm rữa thịt và thậm chí là rụng cả ngón chân. Căn bệnh này có thể dẫn đến tử vong và ước tính có khoảng 10% các cô gái chết vì nhiễm trùng.

Đôi bàn chân dị dạng của bà Zhou Guizhen (86 tuổi) sống tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Bốn ngón chân của bà bị bẻ cụp xuống dưới lòng bàn chân khiến bà vô cùng đau đớn.

Chưa kể, khi về già, người phụ nữ lớn tuổi sẽ có nguy cơ cao bị ngã, dẫn tới gãy xương chậu và các xương khác. Bên cạnh đó, đôi khi bàn chân vẫn đau âm ỉ mỗi khi trái gió trở trời.

Cụ Yan Guiru, một trong những người phụ nữ cuối cùng ở Trung Quốc thực hiện tục bó chân khắc nghiệt, hồi tưởng về những tháng ngày đáng sợ: “Tôi thậm chí còn không dám đắp chăn lên chân, nó đau đớn như bị ai đó đặt một cục than nóng lên chân vậy. Tháo băng, tôi sẽ bị đánh. Cô gái nào muốn có cuộc sống tốt đều phải có bàn chân nhỏ. Những nhà giàu có chỉ thích những người phụ nữ chân nhỏ, càng nhỏ càng tốt. Không một ai muốn cưới một cô gái chân to. Không một ai…”.

Bà Zhou quấn chặt chân trước khi đi giày.

Tập tục này vẫn kéo dài cho tới thế kỷ 20 và bị cấm vào năm 1911. Tuy nhiên phải đến tận năm 1928, chính phủ Trung Quốc mới hoàn toàn loại bỏ được tập tục này và đưa ra quy định thiếu nữ dưới 15 tuổi phải để bàn chân phát triển tự nhiên. Song tại những vùng thôn quê ở Trung Quốc, chúng ta có thể bắt gặp những cụ bà với bàn chân nhỏ xíu.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Phương

tag-icon
Tin mới nhất