Vòng quanh Thế giới

Biến chủng Delta giam hãm thế giới

Theo VnExpress
Chia sẻ

Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang cản trở kế hoạch dỡ bỏ hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế của các nước khắp thế giới.

Delta, được cho là có khả năng lây lan gấp đôi so với phiên bản virus gốc, đã xuất hiện 85 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại châu Á, Australia và châu Âu, các chính phủ đang tái áp đặt biện pháp hạn chế đi lại và trì hoãn dỡ bỏ phong tỏa, khi nhận ra rằng các biện pháp từng kiểm soát được những biến chủng nCoV trước đây không "xi nhê" với Delta.

Biến chủng Delta giam hãm thế giới Ảnh 1
Nhân viên mai táng làm việc trong khu vực dành cho nạn nhân Covid-19 ở Tây Java, Indonesia ngày 30/6. Ảnh: Reuters.

Tại Anh, nơi Delta chiếm 97% ca nhiễm nCoV gần đây và ở những nơi khác có tỷ lệ tiêm chủng cao, mối lo ngại được xoa dịu bởi bằng chứng rằng vaccine đang làm giảm số ca nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, ở những nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp như một số quốc gia châu Phi, các bệnh viện đang lâm vào tình trạng quá tải. Ở Indonesia, số ca nhiễm mới đang ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Delta gây lo ngại cả ở những nơi ghi nhận số ca nhiễm thấp, bao gồm Nhật Bản, quốc gia chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa hè trong ba tuần. Một mô hình tính toán của các nhà nghiên cứu chính phủ trong tuần này ước tính Delta chiếm 30% số ca mới ghi nhận ở Vùng thủ đô Tokyo vào cuối tháng 6. Delta dự kiến chiếm một nửa tổng số ca nhiễm ở vùng này đến giữa tháng 7.

Ở Australia, khu vực trung tâm Sydney bị phong tỏa lần đầu tiên trong năm vì virus lây lan nhanh hơn mức giới chức có thể truy vết và cách ly. Delta có thể lây lan qua tương tác thoáng qua, khiến giới chức khó truy vết tiếp xúc. Chỉ 5,8% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ, theo Our World in Data.

Biến chủng Delta giam hãm thế giới Ảnh 2
Khu trung tâm Sydney vắng lặng vào ngày 30/6. Ảnh: Reuters.

Tại Trung Quốc, giới chức đang xây dựng các cơ sở cách ly lớn cho người đến từ nước ngoài ở hai thành phố phía nam đất nước nhằm đối phó Delta. Trước đó, họ chỉ cách ly ở khách sạn. Trung tâm đầu tiên có diện tích 250.000 m2, cung cấp phòng cho 5.000 người đến từ nước ngoài và 2.000 giường khác cho nhân viên hậu cần. Nó dự kiến mở cửa vào tháng 9.

Theo Chung Nam Sơn, một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, nước này cũng mở rộng định nghĩa "người tiếp xúc gần" và hiện yêu cầu cách ly đối với bất kỳ ai ở trong cùng tòa nhà 4 ngày trước hoặc sau khi một người có kết quả dương tính hay có triệu chứng, tăng từ mức hai ngày trước đây.

Dựa trên dữ liệu thu thập được từ một ổ dịch ở Quảng Đông, Chung cho biết thời gian ủ bệnh của Delta ngắn hơn và thời gian lây lan dài hơn, so với phiên bản được xác định năm ngoái ở Vũ Hán.

Delta đang khiến ca nhiễm tăng vọt ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đang ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong tuần qua tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 6 lên hơn 400 ca một ngày.

Các chuyên gia y tế công cộng và bác sĩ cảnh báo ca nhiễm có thể tiếp tục tăng khi chỉ 5% dân số nước này tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ Indonesia vốn ngần ngại áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn vì lo ngại ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng hôm 1/6, họ tuyên bố bổ sung hạn chế tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, như yêu cầu tất cả nhân viên trong các lĩnh vực không thiết yếu làm việc tại nhà và đóng cửa nơi thờ tự.

Tại Hàn Quốc, các quan chức vốn lên kế hoạch nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực xung quanh Seoul, cho phép 6 thay vì 4 người tụ tập và kéo dài giờ đóng cửa của các nhà hàng và quán cà phê cho đến nửa đêm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Delta đã trì hoãn động thái nới lỏng đó.

Ca nhiễm tại Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng vào ngày 30/6, khi số người nhiễm nCoV ngoài 20 tuổi tăng 20% trong tuần qua.

Israel tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà, vì số ca nhiễm mới đã tăng từ mức trung bình khoảng 10 ca một ngày vào đầu tháng 6 lên khoảng 200 ca trong tuần qua. Tính đến 28/6, trẻ em dưới 18 tuổi, hầu hết chưa tiêm phòng, chiếm hơn một nửa số người nhiễm virus.

Tại châu Âu, giới chức Đức đang cố gắng làm chậm sự lây lan của virus bằng cách hạn chế đi lại. Người đến từ "vùng biến chủng", bao gồm Anh, Bồ Đào Nha, Nga và Ấn Độ, phải cách ly 14 ngày, bất kể họ đã tiêm chủng hay có kết quả xét nghiệm âm tính hay không.

Các chuyên gia cho rằng Delta sẽ chiếm phần lớn ca nhiễm mới từ nay đến cuối tháng 7 ở Đức, mặc dù tổng số ca nhiễm tiếp tục giảm và đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 năm ngoái.

Ở Pháp, Delta chiếm khoảng 20% tổng ca nhiễm Covid-19 mới, tăng từ mức 10% một tuần trước. Giới chức Pháp đã trì hoãn dỡ bỏ một số hạn chế cuối cùng ở khu vực tây nam đất nước, nơi Delta đã trở thành chủng trội. Tại vùng Landes, nơi một đột biến liên quan đến Delta chiếm 74% ca nhiễm được khảo sát trong một báo cáo vào tuần trước, chính phủ cho biết họ đang áp dụng các hạn chế về sức chứa đối với nhà hàng, rạp chiếu phim và cửa hàng cho đến ít nhất là ngày 6/7.

Nhưng Gabriel Attal, phát ngôn viên chính phủ Pháp, cho biết những hạn chế đó đã được dỡ bỏ theo lịch trình ở những nơi khác vào 30/6. Tổng ca mới ở Pháp đang ở mức thấp nhất kể từ mùa hè và giảm 95% so với mức đỉnh điểm gần đây nhất vào tháng 4.

Delta cũng trì hoãn việc dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng ở Anh một tháng, nhưng các bộ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng hầu hết hạn chế còn lại có thể được dỡ bỏ vào ngày 19/7.

Tại đây và những nơi khác ở châu Âu và ở Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng cao dường như đã phá vỡ mối tương quan giữa số ca nhiễm gia tăng với số ca nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, trên toàn cầu, các hạn chế đi lại vì biến chủng mới đã làm xấu đi triển vọng vốn đã tồi tệ đối với các nền kinh tế dựa vào du lịch.

Ít nhất 21 trong số 54 quốc gia châu Phi đang ghi nhận đợt tăng mạnh ca nhiễm mới. Trong hầu hết trường hợp, số ca đã vượt hoặc đang trên đà vượt các làn sóng lây nhiễm trước đó. Chỉ khoảng 1,1% trong số 1,3 tỷ người ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.

Các bệnh viện ở Uganda, Nam Phi, Zambia và một số khu vực của Cộng hòa Dân chủ Congo bị quá tải, một số chính phủ đã tái áp đặt phong tỏa.

Ca Covid-19 mới đã tăng gấp đôi ở Mexico trong tháng qua. Biến chủng Delta chiếm 2/3 số mẫu được xét nghiệm ở thủ đô Mexico City. Ca nhiễm hiện vẫn thấp hơn rất nhiều mức đầu năm nay, nhưng các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng Mexico có thể chứng kiến đợt lây nhiễm thứ ba trong vài tuần hay vài tháng tới.

Trong khi đó, Nam Mỹ gần như vắng bóng Delta, vì một lý do không mấy tươi sáng: Họ phải đối phó với biến chủng Gamma "cây nhà lá vườn" cũng có khả năng lây lan cao, được cho là xuất phát từ thành phố Manaus của bang Amazonas, Brazil.

Chia sẻ

Theo

VnExpress

Nguồn bài viết

Tin mới nhất