Vòng quanh Thế giới

Bác sĩ có khả năng cùng đau với bệnh nhân: Cảm nhận rõ con dao rạch trên da bụng mình khi người khác đang phẫu thuật

Theo BBC
Chia sẻ

Đối với bác sĩ Joel Salinas, âm thanh tạo ra màu sắc, các con số có tính cách riêng, và nỗi đau thể xác của người khác cũng chính là nỗi đau của anh.

Trải nghiệm của cái chết

Joel Salinas lao vào nhà vệ sinh rồi nôn thốc nôn tháo cho tới khi cơ thể gần như kiệt sức. Salinas nhìn vào khuôn mặt trắng bệch của mình trong gương và cầu Chúa cho mình tiếp tục sống.

Đó là một ngày năm 2008, Joel Salinas đang là cậu sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học y Miami Miller School. Lúc này Salinas vẫn chưa hề hay biết mình mắc phải hội chứng có tên mirror-touch synaesthesia, khiến cậu có thể cảm nhận được nỗi đau thể xác của người khác, hoặc thậm chí chỉ là những cảm xúc rất nhẹ nhàng như một cái chạm, một chuyển động. Ngày hôm đó, cậu vừa chứng kiến một bệnh nhân qua đời.

Nói về trải nghiệm cái chết hôm ấy, Salinas kể lại:

“Khi tim của người đó ngừng đập, tim tôi cũng như thắt lại”.

“Tôi nhìn thấy bệnh nhân được ép tim rồi tôi cảm thấy như có sức ép trên ngực mình. Tôi có thể cảm nhận được cái ống thở đang sục sạo trong cổ họng mình”.

Đến khi bệnh nhân ngừng thở và được thông báo là đã qua đời, Salinas cho biết cậu đã trải qua “sự im lặng kỳ quái”.

“Tôi hoàn toàn bị mất cảm giác. Điều đó thật ám ảnh. Giống như là tôi đang ngồi trong một căn phòng bật điều hòa rồi đột nhiên điều hòa bị tắt đi vậy”.

Sau khi chắc chắn rằng mình vẫn chưa chết, Salinas bước ra khỏi nhà vệ sinh và thề rằng sẽ không cho phép bản thân phản ứng kích động như vậy thêm lần nào nữa.

Synaesthesia là một hội chứng khiến cho người mắc phải có thể kết hợp các giác quan với nhau, chứ không chỉ cảm nhận riêng biệt từng giác quan một như bình thường. Chẳng hạn như có người có thể cảm nhận được mùi vị khi nghe nhạc, hay nhìn thấy màu sắc khi nhìn thấy các con số hoặc chữ cái. Mirror-touch là một kiểu synaesthesia mới được phát hiện gần đây, khiến cho người bị mirror-touch synaesthesia có thể cảm nhận được cảm giác của người khác như đau đớn, va chạm, chuyển động.

Bác sĩ Salinas có thể cảm nhận được nỗi đau của người khác, hoặc thậm chí chỉ là những cảm xúc rất nhẹ nhàng như một cái chạm, một chuyển động. Ảnh: BBC

Cậu bé thích ôm ấp

Salinas cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, cậu có thể nhìn thấy màu xanh dương hoặc màu vàng khi nghe thấy tiếng chuông reo ở trường học. Đối với Salinas, điểm B có màu da cam, số 1 có màu vàng, các con số đều có tính cách riêng. Vì vậy, phép tính cộng không có ý nghĩa gì với cậu. Số 2 là một bà mẹ màu đỏ, còn số 4 là một người bạn thân thiện màu da trời. Vì vậy 2 + 2 = 4 thì thật quá vô lý.

Nhưng nhờ có khả năng nhìn thấy màu sắc của chữ nghĩa nên Salinas học rất giỏi các môn học liên quan đến ngôn ngữ.

Ngày bé, Salinas thường gặp khó khăn trong việc kết bạn, bởi cậu bé Salinas rất thích ôm mọi người. Những cái ôm khiến Salinas cảm thấy ấm áp và an toàn. Những cái ôm “có màu xanh dương ánh bạc, đem lại cho tôi cảm giác giống như số 4”. Tuy nhiên, Salinas ôm mọi người quá thường xuyên, khiến cho tụi trẻ con cảm thấy cậu bé thật kỳ quặc.

Sau nhiều lần bị từ chối, cậu bé Salinas quyết định thu mình về thế giới riêng của mình. Cậu xem TV rất nhiều và thích thú tận hưởng việc cơ thể mình có thể cảm nhận được những cái chạm và những chuyển động của mọi người trên TV.

Salinas quyết định thu mình về thế giới riêng. Ảnh: BBC

Khi đã là một thiếu niên, Salinas nhận ra nếu như giúp người khác cảm thấy dễ chịu hơn cũng khiến cậu dễ chịu hơn. Cậu nhận thấy mình sinh ra là để “chữa lành vết thương cho mọi người” và quyết định theo đuổi nghề y.

Bác sĩ thấu cảm

Salinas chưa bao giờ nói chuyện với mọi người về khả năng đặc biệt này của mình, bởi anh nghĩ đây là cách tất cả mọi người cảm nhận thế giới. Cho đến năm 2005, trong một lần đến Ấn Độ cùng các bạn học đại học, khi một người bạn nói chuyện về việc có những người có thể nhìn thấy màu sắc từ những con chữ, Salinas nói rằng mọi người ai cũng có khả năng này. Người bạn của Salinas đã nhìn vào mắt anh và nói: “Chắc chắn không phải ai cũng có khả năng này đâu”.

Tuy nhiên, phát hiện này cũng không giúp Salinas sẵn sàng cho những trải nghiệm khó khăn những ngày tháng sau đó.

Cảm giác của hội chứng mirror-touch synaesthesia cực kỳ rõ ràng khi Salinas bắt đầu vào trường y và chứng kiến các trường hợp chấn thương nặng. Khi nhìn thấy một cậu bé trên bàn mổ, anh có thể cảm nhận những vết mổ, cảm thấy một con dao đang rạch trên da bụng mình, kèm theo đó là cảm giác đau đớn và nóng nực khi nhìn thấy nội tạng của bệnh nhân.

Đến cái ngày nhìn thấy một bệnh nhân qua đời, anh đã phải chạy vào phòng vệ sinh mà nôn ọe, Salinas nhận ra mình phải tìm cách để chống chọi cảm giác này nếu như còn muốn làm bác sĩ.

Salinas cùng ba mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp Đại học Y khoa. Ảnh: BBC

Salinas nhận ra cảm giác mirror-touch synaesthesia chỉ thật rõ ràng khi anh bị bất ngờ hoặc bệnh nhân có hình dáng giống mình. Từ đó, Salinas tập trung nhìn vào tay áo hoặc cổ áo của bệnh nhân. Nhưng Salinas cũng thấy rằng, nhờ khả năng thấu cảm “quá đà” của mình mà anh có thể điều trị cho mọi người tốt hơn.

Tôi thực sự có mối liên kết với sức khỏe của người bệnh, vì lúc đó sức khỏe của người bệnh cũng là sức khỏe của tôi”, Salinas nói.

Tất cả mọi người đều có khả năng này?

Synaesthesia lần đầu tiên được nghiên cứu từ năm 2007 và cho đến giờ vẫn còn là một bí ẩn làm đau đầu giới khoa học. Hiện chỉ có 1,6% dân số thế giới bị mirror-touch synaesthesia như Salinas.

Thực ra sau này Salinas phát hiện ra rằng chị gái mình cũng có khả năng nhìn thấy màu sắc trong con chữ. Ba mẹ của Salinas cũng từng có vài trải nghiệm mirror-touch synaesthesia như cậu con trai.

Salinas và mẹ ngày còn bé. Ảnh: BBC

Salinas và em trai. Ảnh: BBC

Ngày nay, nhiều nhà khoa học cho rằng, con người được sinh ra với hội chứng mirror-touch synaesthesia. Một nghiên cứu gần đây tuyên bố, trẻ em thường liên tưởng các hình thù khác nhau với các màu sắc nhất định. Tuy nhiên, thường thì khả năng này sẽ biến mất khi não bộ thực hiện quá trình gọi là “cắt xén” nhằm loại bỏ những kết nối không cần thiết. Có giả thuyết cho rằng, quá trình não bộ “cắt xén” của những người mắc hội chứng mirror-touch synaesthesia đã gặp trục trặc gì đó khiến những người này vẫn còn quá nhiều loại kết nối.

Salinas đã nhận lời mời của nữ nghệ sĩ Daria Martin để tham gia vào bộ phim về mirror-touch synaesthesia theo hình thức nghệ thuật sắp đặt. Bộ phim sẽ được trình chiếu ở bảo tàng Wellcome Collection (London, Anh).

Bộ phim về mirror-touch của nghệ sĩ Daria Martin. Ảnh: BBC

Theo Salinas, mirror-touch synaesthesia không nên bị coi là một dạng rối loạn thần kinh.

Salinas nói: “Tôi không nghĩ khả năng này là đặc ân hay là lời nguyền rủa. Nó có thể là cả hai”.

Nhưng anh cũng thừa nhận: “Tôi không thể tưởng tượng được cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu như không mắc chứng synaesthesia. Tôi sẽ không bao giờ trở thành tôi của bây giờ”.

Chia sẻ

Theo

BBC

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất