Vòng quanh Thế giới

Ám ảnh kinh hoàng về cuộc sống luôn bị động đất rình rập của người Nhật Bản

Chia sẻ

"Thật kinh khủng, động đất mạnh đến nỗi tôi không thể đứng vững", một người đang phải ngủ trong ôtô ở ngoài trời nói về thảm họa.

Căn nhà gỗ gần như không chịu nổi trận động đất đầu tiên, và cơn địa chấn tiếp theo trở thành “cú đánh cuối cùng” đối với nơi nương náu của nhà Tanaka.

Theo AP, gia đình Tanaka ở cùng với 50 gia đình khác, ngủ lại trong ôtô tại một công viên ở thị trấn Ozu, tỉnh Kumamoto, từ đêm 16/4. Hai trận động đất kinh hoàng đã khiến 42 người thiệt mạng, làm bị thương khoảng 1.500 người, san phẳng rất nhiều ngôi nhà và gây ra sạt lở đất.

Yoshiaki Tanaka, người dân sống ở Ozu, tỉnh Kumamoto. Ảnh: AP

Yoshiaki Tanaka, người dân sống ở Ozu, tỉnh Kumamoto. Ảnh: AP

“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể quay trở lại nhà. Cuộc sống của tất cả mọi người đang vô cùng bấp bênh”, ông Yoshiaki Tanaka, 62 tuổi, nói. Ông và một số người khác ăn cơm nắm cho bữa tối. Ông Yoshiaki cùng vợ và mẹ của mình đã kịp thoát ra khỏi ngôi nhà sau trận động đất mạnh 7,3 độ richter sáng sớm ngày 16/4, chỉ 28 giờ đồng hồ sau khi một trận động đất mạnh 6,8 độ xảy ra ngay tại khu vực đó.

Sau động đất đầu tiên, ông Tanaka đã bắt tay vào dọn dẹp đống đổ nát và hy vọng các cơn dư chấn sẽ dần lắng xuống, nhưng ông không ngờ thảm họa thứ hai đang rình rập.

“Một trận động đất khác, lớn hơn, mạnh đến mức tôi thậm chí không đứng vững. Thật là kinh khủng”, ông nói thêm rằng khi đi di tản, ông còn thấy nhà của ông bị nghiêng hẳn về một góc.

Quân đội và lực lượng cứu hộ sử dụng trực thăng quân sự để tiếp cận và cứu những người mắc kẹt một khu nghỉ mát trên núi. Họ tiếp tục giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát tại địa điểm chịu thiệt hại nặng gần Kumamoto, thành phố có 740.000 dân.

Hoạt động cứu trợ gặp khó khăn do trời mưa và lở đất. Gần 200.000 ngôi nhà không có điện, và khoảng 400.000 hộ gia đình không có nước sinh hoạt. Quan chức tỉnh Kumamoto, Riho Tajima, cho biết hơn 200 ngôi nhà và công trình khác đã hư hỏng nghiêm trọng hoặc bị phá hủy hoàn toàn, và khoảng 91.000 người đã được sơ tán khỏi nhà.

Hàng trăm người xếp hàng mua thực phẩm tại các điểm phân phối trước khi màn đêm buông xuống, mặc cho mưa và gió mạnh. Những cửa hàng địa phương nhanh chóng bán hết sạch hàng hoá, làm dấy lên nỗi lo khan hiếm thực phẩm.

Người dân ăn cơm nắm tại công viên ở Ozu. Ảnh: AP

Người dân ăn cơm nắm tại công viên ở Ozu. Ảnh: AP

Một vụ lở đất đã xé toạc một sườn núi tại thị trấn Minamiaso từ đỉnh sườn cho đến con đường cao tốc phía dưới. Một vụ lở đất khác xảy ra tại một đường cao tốc, một ngôi nhà bị phá tan đã bị lôi xuống khe núi. Tại một ngôi làng gần đó, những ngôi nhà nằm chênh vênh ở rìa của một vết sạt lở rất lớn, ăn sâu vào trong đất.

Truyền hình Nhật Bản đưa tin một khu ký túc xá bị sập tại Đại học Tokai của thành phố Aso. Một nhân chứng cho biết ông nghe thấy tiếng kêu cứu từ đống đổ nát. Hai học sinh bị phát hiện đã chết tại đó.

David Rothery, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Mở tại Anh, cho biết rằng trận động đất hôm 16/4 mạnh gấp 30 lần trận động đất hai ngày trước đó.

“Đây là một điều bất thường nhưng không phải chưa có tiền lệ, khi một trận động đất lớn hơn và nguy hiểm hơn xảy ra sau một trận động đất khác và biến nó thành sự kiện chính”, ông nói.

Ông Rothery dẫn chứng vào tháng 3/2011, một trận động đất 7.2 độ Richter xảy ra ở miền bắc Nhật Bản, và chỉ hai ngày sau đó, trận động đất mạnh 9 độ Richter diễn ra ở đông bắc Nhật, gây ra sóng thần, khiến hơn 18.000 người thiệt mạng.

Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất lớn trên thế giới.

Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất lớn trên thế giới.

Núi Aso, gần làng Minamiaso, đã phun trào vào hôm 16/4, tạo nên cột khói bụi cao khoảng 100 m, nhưng không có thiệt hại được ghi nhận. Hiện vẫn chưa rõ liệu có sự liên quan nào giữa các trận động đất và núi lửa phun trào. Núi lửa Aso cao 1.592 m, cách tâm chấn của trận động đất khoảng 90 phút lái xe.

Trận động đất thứ hai gây hư hỏng nghiêm trọng chùa Aso, một ngôi chùa cổ nằm ở gần núi lửa. Một số gian có mái ngói cong bị san phẳng. Cổng chùa, được gọi là “cổng hoa anh đào”, cũng bị phá huỷ hoàn toàn.

Tại thị trấn Mashiki, nơi nhiều người dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong nhiều giờ, các nhân viên cứu hộ đã giải cứu một bà cụ 93 tuổi bất tỉnh. Bà Yumiko Yamauchi được kéo ra từ đống đổ nát của ngôi nhà bà và được đưa đến bệnh viện. Con rể của bà Yumiko, Tatsuhiko Sakata, cho biết bà đã từ chối đến nơi trú ẩn với anh sau trận động đất đầu tiên.

“Khi tôi đến thăm mẹ vào đêm hôm trước, tôi đã hỏi bà: “Mẹ! Con ở đây! Mẹ có nhớ con không? Mẹ có nhớ mặt con không?”, bà trả lời với một nụ cười tràn đầy niềm vui. Một nụ cười mà tôi sẽ không bao giờ quên. Và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nụ cười ấy của bà”, Sakata nói.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất