Vòng quanh Thế giới

Ấn Độ đối mặt với virus truyền từ dơi nguy hiểm hơn SARS-CoV-2

Theo zing
Chia sẻ

Ngành y tế Ấn Độ đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus Nipah, được đánh giá nguy hiểm hơn SARS-CoV-2 và đã cướp đi sinh mạng của 1 cậu bé 12 tuổi.

Ở bang Kerala (miền Nam Ấn Độ) một cậu bé 12 tuổi đã qua đời sau khi nhập viện trong tình trạng sốt cao và nghi ngờ viêm não vào tuần trước. Với kết quả xét nghiệm máu, cậu được chẩn đoán dương tính với virus Nipah, USA Today dẫn nguồn tin từ CBS News hôm 7/9.

Giới chức Ấn Độ đã tiến hành theo dõi và cách ly đối với 188 người tiếp xúc với bệnh nhân để ngăn chặn virus bùng phát. Tính đến ngày 6/9, hai nhân viên y tế đã xuất hiện triệu chứng nhiễm virus Nipah và 188 người khác được xác định tiếp xúc với cậu bé, trong đó 20 người có nguy cơ lây nhiễm cao.

“Chúng ta cần thực sự chú ý vào loại virus này", ông John Lednicky, giáo sư nghiên cứu tại khoa Môi trường và Sức khỏe toàn cầu của Đại học Florida, cho biết.

Nhân viên y tế Ấn Độ chôn thi thể bệnh nhân nhiễm virus Nipah. Ảnh: AP.

Sự trở lại của virus Nipah dấy lên lo ngại trong thời điểm Ấn Độ vẫn đang cố gắng kiểm soát các ca nhiễm Covid-19. Ngành y tế nước này đã ghi nhận thêm 30.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 6/9.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia và Singapore vào năm 1999. Đến nay, các đợt bùng phát đều được ghi nhận ở châu Á.

Nipah là loại virus lây truyền từ động vật sang người. Ngoài ra, chúng cũng có thể lây lan qua thực phẩm bị ô nhiễm và qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với nhau.

Virus Nipah không liên quan đến virus SARS-CoV-2, nhưng cả hai có thể cùng nguồn gốc từ loài dơi. Vật chủ của virus Nipah là loài dơi ăn quả. Theo ông Lednicky, lợn rất dễ bị nhiễm virus thông qua tiếp xúc với những loại hoa quả loài dơi này ăn.

Các động vật nuôi khác như mèo, chó, dê, cừu hay chính con người cũng có thể nhiễm bệnh theo cách này, CDC cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi lây nhiễm virus Nipah, người bệnh chuyển từ không triệu chứng sang nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và viêm não, từ đó dẫn đến tử vong.

Người bệnh có thể bị đau họng, sốt, đau đầu và đau cơ. Nếu bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân đôi khi thấy chóng mặt và thậm chí mất ý thức.

Thời gian xuất hiện các triệu chứng từ 4 đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm. Đến nay, chưa có vaccine ngừa virus Nipah.

Theo WHO, 40% đến 75% trường hợp người nhiễm virus Nipah đã tử vong, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong 2% của Covid-19.

"Ngày càng có nhiều mầm bệnh mới xuất hiện hơn", ông Lednicky. Theo ông, "mối quan tâm thực sự nằm ở cách chúng ta di chuyển khắp nơi trên thế giới".

Chia sẻ

Theo

zing

Nguồn bài viết

Tin mới nhất