Một ngày lạnh lẽo tháng 12, Zohra, một nhân viên vệ sinh được khẩn cấp chuyển đến Bệnh viện Muhammad Khamis ở Meknes (Maroc) trong tình trạng nguy kịch vì bị bỏng nặng. Bà mẹ hai con đã bị chồng nhẫn tâm tưới dầu sôi lên người trong lúc ngủ, khiến gương mặt biến dạng trầm trọng, phải cấy ghép da với diện tích lớn. Chính vì vậy, khoản viện phí mà Zohra phải trả đã vượt quá năng lực kinh tế của cô.
Chứng kiến người phụ nữ nằm thoi thóp trên giường bệnh, đầu và mặt quấn kín băng vải trắng toát, hai thành viên thuộc tổ chức gây quỹ JustGiving đã kêu gọi mọi người vươn tay tương trợ. “Trái tim chúng tôi nặng trĩu khi phải viết ra những dòng này. Một người chị em, người bạn thân thương đã trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, cô ấy rất cần sự giúp đỡ của chúng ta”, họ viết.
“Cô ấy bị chồng đổ vạc dầu sôi ùng ục lên người khi đang say giấc, khiến mặt và ngực bị bỏng nặng nề. Chúng tôi đang khẩn trương gây quỹ để chi trả cho việc điều trị của cô ấy. Zohra có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, cô ấy chỉ là nhân viên vệ sinh, trong khi chi phí y tế tại Maroc lại tốn kém”.
Bên cạnh viện phí, số tiền gây quỹ cũng sẽ được dùng để chi trả cho tiền thuốc men mỗi ngày của Zohra, trung bình khoảng 49 USD. Tính đến nay, đã có 90 nhà hảo tâm quyên tiền để giúp đỡ người phụ nữ tội nghiệp, tổng số tiền thu được lên đến hơn 3.800 USD. Anisa Rasul, người đã cư trú tại Maroc được 3 năm và thuê Zohra làm việc, cho biết mình đang theo dõi tình hình sức khỏe của cô trong bệnh viện.
Bà mẹ người Anh chia sẻ: “Tôi rất thương Zohra. Cô ấy đến nhà tôi 5 ngày mỗi tuần, cũng chính là một thành viên trong gia đình chúng tôi. Sau khi bị tạt dầu, gương mặt của cô ấy biến dạng trầm trọng đến mức tôi không thể nhận ra, dù đang trong quá trình hồi phục, cô ấy trông vẫn như một người hoàn toàn khác”. Tính đến thời điểm này, Zohra đã trải qua ba ca phẫu thuật, bao gồm ghép da và phẫu thuật mắt, song chi phí là một vấn đề nan kham đối với cô. Chồng của Zohra đã bị bắt ngay lập tức sau khi gây ra tội ác khiến vợ tàn tật suốt đời. Hiện hắn đang sống trong tù, chờ ngày xét xử.
Bạo lực gia đình mà phụ nữ là nạn nhân chủ yếu luôn là vấn đề nhức nhối tại Maroc. Đã chuyển đi tròn 4 tháng, song Anisa không thể nào quên cảnh tượng đau lòng mình phải chứng kiến trong suốt 3 năm cư trú tại đất nước này. “Tôi thường xuyên thấy phụ nữ bị đánh đập trong nhà. Thế nhưng, khi họ báo cảnh sát, cơ quan chức năng lại nhắm mắt làm ngơ. Thật kinh tởm”, cô nói.
Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho thấy có đến 70% nữ giới từng phải chịu đựng bạo hành về thể xác hoặc tình dục từ bạn đời. Năm 2017, ước tính toàn thế giới 87.000 phụ nữ bị sát hại, trong số đó, hơn một nửa trường hợp kẻ ra tay là người yêu, chồng hoặc người thân trong gia đình.