Vòng quanh Thế giới

Hai cá thể lợn lai khỉ đầu tiên ra đời tại Trung Quốc

Theo Dailymail
Chia sẻ

Các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công tạo ra hai chú lợn con có chứa DNA của loài khỉ, tiến gần hơn đến mục tiêu nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật.

Hai chú lợn con đã chết sau một tuần chào đời, song điều này vẫn cổ vũ ý chí của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu. Trước đó, họ đã cấy tế bào mô tim, gan, lá lách, phổi và da từ khỉ đuôi dài vào hơn 4000 phôi thai lợn để tạo ra loài lợn lai khỉ. Quá trình này là một phần trong nghiên cứu phát triển các bộ phận cấy ghép của con người trong cơ thể động vật.

Trông không khác gì đồng loại, song chú lợn con này mang tế bào của khỉ đuôi dài.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm thành công quy trình lai khỉ - lợn theo phương pháp này”, nhà nghiên cứu Tang Hai thuộc Phòng thí nghiệm tế bào gốc và di truyền học Bắc Kinh cho biết. Những tế bào khỉ cấy vào phôi thai lợn đã được biến đổi gene để tạo ra protein huỳnh quang, cho phép các nhà khoa học theo dõi quá trình phát triển của chúng về sau.

Nhóm nghiên cứu chưa thể xác định nguyên nhân gây nên cái chết của hai cá thể lợn lai, song cùng lúc đó, có 8 chú lợn bình thường khác sinh ra từ phôi thai trong cùng đợt thí nghiệm cũng không giữ được mạng sống. Vì lẽ đó, họ cho rằng vấn đề nằm ở bước thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chứ không phải quá trình cấy ghép tế bào.

Các nhà khoa học đã cấy tế bào khỉ vào hơn 4000 phôi thai, chỉ có 2 cá thể được dung hợp thành công.

Kết quả thí nghiệm đã khiến một bộ phận trong giới khoa học quan ngại về việc xâm phạm giá trị đạo đức. Nhà thần kinh học Douglas Munoz thuộc Đại học Queen's University (Canada) thẳng thừng lên án những công trình tương tự khiến ông lo sợ: “Chúng ta cứ mặc sức can thiệp vào quy luật của sự sống, nhưng không thực sự biết dừng lại đúng lúc, thậm chí không biết làm sao ứng biến nếu xảy ra sự cố. Viễn cảnh đó khiến tôi sợ hãi”.

Trước những ý kiến trái chiều, giới khoa học Trung Quốc vẫn không hề có dấu hiệu từ bỏ nghiên cứu. Tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu nước này đã gây tranh cãi khi tạo ra những con khỉ có chứa tế bào não người, nhằm phục vụ cho việc chữa trị bệnh Alzheimer.

Khỉ lai lợn biến dị ở Cuba.

Alejandro De Los Angeles, chuyên gia về tế bào gốc của Đại học Yale, cho rằng đây là biểu hiện đáng khích lệ, bước đột phá trong việc nghiên cứu chữa bệnh ở người suốt nhiều thập kỷ qua. “Biết cách tiết chế nghiên cứu lai khỉ - người trong phạm vi cho phép, phù hợp với quy chuẩn đạo đức và khoa học đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều mặt”, ông nói.

Tháng 1/2017, các nhà khoa học đã thành công tạo ra cá thể lai người - lợn tại Viện nghiên cứu Salk ở San Diego, song sinh vật này đã chết sau 28 ngày chào đời. Với kết quả này, họ hy vọng tìm được bước tiến mới, cung cấp giải pháp thay thế cho việc hiến tạng, trong bối cảnh có trung bình 3 bệnh nhân qua đời ở Anh vì không tìm được nội tạng thay thế. Ở Mỹ, con số này là 12 người/ngày.

Chia sẻ

Theo

Dailymail

Tin mới nhất