Vòng quanh Thế giới

Dịch COVID-19 hoành hành, người dân Trung Quốc đua nhau livestream giết thời gian

Theo Asiaone
Chia sẻ

Chán ngán với cảnh giam mình trong nhà, nhiều người dân Trung Quốc tìm đến các nền tảng phát sóng trực tiếp để giải tỏa áp lực, quên đi nỗi lo âu trong dịch bệnh.

Tự nhốt mình trong nhà đến phát ốm vì dịch COVID-19, Li Guoguo quyết định tự tìm niềm vui bằng cách phát trực tiếp cả tủ quần áo khổng lồ đầy ắp Hán phục của mình, đồng thời hướng dẫn mọi người cách kết hợp quần áo với những món phụ kiện mà cô sở hữu. “Giờ tôi không thể ra ngoài quay video mặc Hán phục như trước nữa, suốt ngày ngẩn ngơ ở nhà. Thật vui khi được gặp gỡ mọi người trên trang livestream này”, cô gái 26 tuổi chia sẻ.

Li Guoguo làm việc trong ngành bất động sản ở Thượng Hải.

Cùng với vô số người phải giam mình trong nhà khác, cô gái sống ở thành phố Thượng Hải, sở hữu tài khoản Instagram mang tên Afoxmeng này đã tận dụng nền tảng phát trực tiếp để xua tan nỗi buồn chán và thu hút nhiều người theo dõi. Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành du lịch, thực phẩm và vận tải đều xuống dốc thấy rõ, song đây lại là cơ hội “bùng nổ” đầy ngoạn mục đối với những công ty chuyên về mảng mua sắm trực tuyến hoặc các dịch vụ internet khác.

Cô gái trẻ có niềm đam mê với Hán phục.

Theo báo cáo của QuestMobile công bố vào tuần này, các nền tảng trình chiếu video ngắn có chức năng phát trực tiếp đã ghi nhận lượng truy cập tăng vọt trong suốt Tết Nguyên đán. Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, cho biết thời gian truy cập bình quân của người dùng đã tăng thêm từ 67 đến 99 phút mỗi ngày. Giờ đây, bất cứ hoạt động nào cũng có thể lên sóng trực tiếp, từ ca hát, nhảy múa, nấu ăn, chơi trò chơi, tập thể dục cho đến… ngủ.

Li Guoguo thường phát trực tiếp khoảng 4 tiếng mỗi tuần để gặp gỡ hơn 300.000 người theo dõi trên ứng dụng Bilibili. “Tôi có khoảng 600 bộ Hán phục trong tủ quần áo. Không như lúc ra ngoài quay video, khi phát trực tiếp, tôi có nhiều thời gian hơn để chia sẻ về kinh nghiệm của mình, kể cả việc đề cử loại vải phù hợp với từng kiểu Hán phục. Tôi cũng có thể tương tác với người xem, trả lời câu hỏi và tư vấn cho họ cách phối đồ”, cô chia sẻ.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, cô không có cơ hội ra ngoài quay video.

“Tôi không có bất kỳ thỏa thuận kinh doanh nào với các công ty hay nhãn hàng thời trang. Tôi làm video và phát trực tiếp chỉ để chia sẻ tình yêu với Hán phục của mình cùng những người khác. Nhờ vậy mà tôi đã gặp được nhiều người bạn cùng chung sở thích. Đợi đến khi dịch bệnh bị tiêu trừ, chúng tôi sẽ hẹn ngày gặp gỡ”, Li vui vẻ nói.

Không chỉ cá nhân như Li mà các tổ chức, doanh nghiệp như công ty âm nhạc, nhà hàng, vũ trường và thậm chí cả bảo tàng nghệ thuật và phòng trưng bày cũng tận dụng nền tảng phát trực tiếp để cứu vãn tình hình kinh doanh ảm đạm của mình. Các nhà hàng như Meizhou Dongpo chuyên món Tứ Xuyên, chuỗi thức ăn nhanh ZhengKungFu và nhà hàng lẩu Xiabu Xiabu đã phát trực tiếp cảnh các đầu bếp chế biến những món ăn ngon mắt, thu hút khách đặt thức ăn hoặc nguyên liệu đã được chế biến sẵn để nấu tại nhà.

Các doanh nghiệp chuyển sang ưa chuộng phát sóng trực tiếp.

Ngày 8/2, quán bar TAXX ở Thượng Hải phát trực tiếp trên Douyin suốt 4 tiếng đồng hồ, lượng người xem cao nhất đạt đến 71.000 người, thu về hơn 700.000 NDT (2,3 tỷ VND). Tiếp bước thành công đó, hàng chục club và quán bar khác trên khắp Trung Quốc như Dr. Oscar, SpacePlus và Sir Teen thi nhau livestream trên Kuaishou. Hơn 10 nghệ sĩ của hãng thu âm Ruby Eyes Records cũng phát trực tiếp các buổi diễn trong 3 ngày liên tiếp trên Bilibili từ hôm 6/2, thu hút hơn 100.000 người xem, số lượng đủ lấp đầy cả Sân vận động quốc gia Bắc Kinh.

Một buổi phát sóng của viện bảo tàng M Woods.

Theo lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc, các viện bảo tàng tích cực hưởng ứng phong trào “làm phong phú đời sống tinh thần và văn hóa của người dân trong đại dịch”. Bảo tàng M Woods là một trong những cái tên tiên phong khi chủ động phát sóng trực tiếp. Một ngày trước khi phát trực tiếp lần đầu tiên trên Bilibili, bảo tàng đã công bố danh sách và thông tin cơ bản về các tác phẩm sẽ xuất hiện trong buổi “triển lãm online” trên Weibo, WeChat và Instagram.

Chen Lu, người phụ trách quan hệ công chúng cho bảo tàng, cho biết các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày sẽ chuyển thành dạng video thuận lợi cho việc tương tác. “Một nghệ sĩ tên Xu Wenkai đã chuyển tác phẩm thành dạng game online. Sau khi nhấn vào liên kết, một hàng dài biểu tượng cảm xúc sẽ hiện ra, người xem có thể chọn trong số đó để thể hiện ý kiến của mình về tác phẩm”, ông nói. “Các tác phẩm như tranh sơn dầu và thơ cũng xuất hiện trong buổi triển lãm. Nhân viên bảo tàng phụ trách thuyết minh trước màn ảnh trong văn phòng”. 

Màn ảnh bắt đầu buổi triển lãm.

Chen cho biết buổi livestream này thuộc chương trình phát trực tiếp 72 giờ không ngừng nghỉ của Bilibili, nhận được phản ứng tích cực từ người xem. “Buổi phát sóng thu hút hơn 800.000 người theo dõi. Nhân viên của chúng tôi trả lời nhiều câu hỏi của khán giả ngay trong lúc livestream. Có người tò mò về cuộc sống của một nhân viên bảo tàng, số khác lại hỏi phải học đại học ngành gì mới tìm được công việc như thế, ngay cả chú mèo hay lui tới trong văn phòng cũng nhận được sự chú ý đặc biệt”, ông nói.

“Phát sóng trực tiếp cho phép chúng tôi đạt đến sự cân bằng giữa giải trí và nghệ thuật đỉnh cao. Chúng tôi không biết khi nào thì bảo tàng có thể mở cửa trở lại, thế nên trong thời gian chờ đợi, bảo tàng vẫn sẽ đều đặn phát trực tiếp hàng tuần. Nếu dịch bệnh không sớm kết thúc, chúng tôi sẽ bán các tác phẩm nghệ thuật ngay trên sóng trực tiếp”, Chen chia sẻ.

Chia sẻ

Theo

Asiaone

Tin mới nhất