Vòng quanh Thế giới

'Chuyến tàu sinh tử' tại Mumbai, trung bình 9 ca tử vong mỗi ngày

Ngọc Bích
Chia sẻ

Các chuyến tàu tại Mumbai thường phải chở số lượng khách gấp 2,6 trọng tải cho phép, hơn 30% so với một con tàu đông khách tại Tokyo.

Mỗi ngày tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, có khoảng 8 triệu người “gồng mình”, mạo hiểm mạng sống trên những chuyến xe lửa. Mặc cho các toa tàu dường như chẳng còn một chỗ trống nào, nhưng dòng người vẫn không từ bỏ ý định lên trên bằng được.

Đám đông không chỉ gây náo loạn sân ga, mà còn đe dọa tính mạng của chính họ. Video: Daily Mail

Để có được chỗ “bám víu” trên tàu, mỗi người đều trang bị một “kỹ thuật” riêng. Một số cố gắng “nhét” mình vào bên trong, số khác đón tàu từ phía đối diện, nhiều người “liều” hơn, chạy song song với đoàn tàu và nhảy lên bên trên trước cả khi nó dừng lại.

Joshi, một kỹ sư làm việc tại Mumbai, cũng là một trong 8 triệu người sử dụng tàu hỏa làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Joshi miêu tả, mỗi khi có tàu đi tới, hành khách sẽ xô đẩy nhau đến sát mép đường ray, sau đó, họ tìm cách lên tàu, bằng bất cứ giá nào, dù cho đó là mạng sống của chính họ. “Tôi thực sự ghét những chuyến tàu như vậy. Mặc dù tôi có thể đi bộ, nhưng những con đường cũng chẳng khá hơn là bao. Tàu hỏa dường như là sự lựa chọn duy nhất của tôi”, anh nói.

Có khoảng 3.000 người mất mạng do đi lại bằng xe lửa mỗi năm. Ảnh: Hindustantimes

Theo một thống kê của Cảnh sát Mumbai, từ năm 2007, gần 38.000 người mất mạng do các tai nạn liên quan đến tàu hỏa. Ước tính, trung bình, mỗi ngày có tới 9 ca tử vong. Các chuyến tàu tại Mumbai thường phải chở số lượng khách gấp 2,6 trọng tải cho phép, hơn 30% so với một con tàu đông khách tại Tokyo.

Vào giờ cao điểm có tới khoảng 4.500 hành khách cố gắng bon chen lên tàu. Trong khi đó, mỗi chuyến như vậy chỉ có thể tải được 1.700 người. Sở dĩ người dân lựa chọn tàu hỏa bất chấp nguy hiểm là do giá vé rẻ, phù hợp với đồng lương ít ỏi mà họ kiếm được.

Ngay cả nhân viên ngành đường sắt tại đây cũng không đủ sức để ngăn cản những “con thiêu thân”. Ông R. Venkatraman, công tác lâu năm trong ngành khẳng định, có những cái chết không phải do lỗi lầm của họ: “Chúng tôi luôn coi trọng sự an toàn của các hành khách, tuy vậy, chúng tôi cũng không thể chịu trách nhiệm đối với những người coi thường mạng sống của chính họ”.

Tại Mumbai, cơn ác mộng mang tên đường sắt dường như chưa bao giờ có hồi kết. Ảnh: Mid-day.com

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin mới nhất