Vòng quanh Thế giới

40 tuổi khởi nghiệp, từng mắng Jack Ma là 'kẻ lừa đảo', nay sở hữu công ty hàng trăm tỷ NDT

Hương Nguyễn (Dân Việt)
Chia sẻ

Nhờ người đàn ông này, đất nước Trung Hoa mới có được một thương hiệu có thể sánh ngang với các hãng Apple, Samsung…

Cái tên Xiaomi giờ đây đã là một trong những thương hiệu quen thuộc với người dân trên khắp châu Á. Lôi Quân - nhà sáng lập hãng Xiaomi cũng là một cái tên đáng gờm trong giới tỷ phú Trung Quốc.

Chân dung cha đẻ của hãng Xiaomi - Lôi Quân

Lôi Quân sinh năm 1969 tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông khởi nghiệp lần đầu vào năm 1990, 4 năm sau trở thành tổng giám đốc hãng phần mềm Jinshan. Ông là người đã giúp Jinshan đạt nhiều thành công lớn trong lĩnh vực game online và bảo mật, thành công đưa Jinshan lên sàn giao dịch. Tuy nhiên, công ty này không thể giúp ông hoàn thành mơ ước “thay đổi hình tượng sản phẩm Trung Quốc trong mắt người tiêu dùng, giúp họ được sử dụng những sản phẩm chất lượng cao”.

Trước đó, Lôi Quân nhận thấy sản phẩm trong nước có bề ngoài kém, chất lượng kém nhưng giá thành lại rất đắt. Trong khi ở Mỹ, người dân có thu nhập rất cao nhưng hàng tiêu dùng lại chất lượng và rẻ hơn nhiều ở Trung Quốc.

Năm 2017, Xiaomi bán được hơn 70 triệu sản phẩm, doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ NDT

Vậy là tới năm 2010, ông thành lập công ty Xiaomi để thực hiện mơ ước. Năm đó ông 40 tuổi - thời điểm mà các đàn em khác như Jack Ma, Mã Hóa Đằng… đều đã có được sự nghiệp huy hoàng. Thậm chí Jack Ma còn từng bị ông mắng là “kẻ lừa đảo” khi đến nhờ ông cấp vốn. Lôi Quân nhanh chóng nắm bắt xu hướng mạng di động trong thời điểm này và lựa chọn điện thoại thông minh làm sản phẩm chủ chốt.

Năm 2011, mẫu điện thoại Xiaomi 1 chính thức được mở bán. Sau 1 năm, Lôi Quân đã bán được 18,7 triệu sản phẩm, đến năm 2017 bán được hơn 70 triệu sản phẩm, đạt vị trí thứ 5 toàn cầu. Doanh thu của công ty đạt hàng trăm tỷ NDT mỗi năm.

Một trung tâm dịch vụ khách hàng của hãng Xiaomi

Hướng kinh doanh của ông khác hẳn so với các đối thủ cùng ngành. Trong khi các nơi khác chỉ chăm chăm “tẩy não” khách hàng, Lôi Quân lại nhiệt tình phổ biến kiến thức khoa học công nghệ về phần cứng, các linh kiện cho người dùng.

Ban đầu, các đối thủ coi thường Xiaomi đến mức không thèm để mắt đến, để rồi sau đó chính họ lần lượt phải học theo. Tôn chỉ “nâng cấp tiêu dùng không phải là bán sản phẩm ngày càng đắt hơn mà là mua được sản phẩm tốt hơn với cùng mức giá” là điều mà Lôi Quân luôn tâm niệm. Điều này đã giúp ông thực hiện thành công ước mơ “thay đổi cái nhìn của người Trung Quốc về sản phẩm nội địa”.

Đầu năm 2016, lượng hàng bán ra của Xiaomi bắt đầu sụt giảm, nhiều fan của hãng này cũng bày tỏ sự thất vọng khi sản phẩm không được như mong đợi. Để cải thiện tình hình, năm 2017, Lôi Quân đã đưa Xiaomi đi theo hướng sản phẩm offline và tiến quân vào thị trường nước ngoài.

Trong vòng 1 năm, Xiaomi đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang ba mảng kết hợp “sản xuất phần cứng - bán lẻ kiểu mới - thương mại điện tử”, tạo nên một cộng đồng sinh thái cho riêng hãng này. Cuối năm 2017, Xiaomi có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi quay về vị trí thứ 5 toàn cầu. Giờ đây, Lôi Quân đã có thể tự tin sánh vai với các đàn em Jack Ma, Mã Hóa Đằng…

Chia sẻ

Bài viết

Hương Nguyễn (Dân Việt)

Tin mới nhất