Vòng quanh Thế giới

1.111 nạn nhân vụ khủng bố 11/9 vẫn chưa thể định danh sau 17 năm

Trọng Hiếu
Chia sẻ

17 năm sau ngày 11/9/2001, khi hai máy bay tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ, 1.111 nạn nhân vẫn chưa được xác định danh tính.

Nhưng tại một phòng giám định ở New York, với tiến bộ công nghệ, nhóm pháp y vẫn làm việc hàng ngày nhằm xác định danh tính các thi thể.

Ban đầu, họ kiểm tra mảnh xương được tìm thấy trong đống đổ nát. Khi nó không khớp với mẫu ADN, họ cắt và nghiền mảnh xương đó thành lớp bụi mịn rồi trộn lẫn với hai chất hóa học có thể phơi nhiễm và sau đó tách ADN. Nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng đem lại thành công.

“Xương là vật liệu sinh học khó xử lý nhất”, Mark Desire, trợ lý giám đốc về sinh học pháp y tại Văn phòng Giám định y khoa tại New York, cho hay. “Hơn thế, khi chúng tiếp xúc với những thứ có ở khu vực Ground Zero, nấm mốc, vi khuẩn, ánh sáng mặt trời, nhiên liệu máy bay, nhiên liệu diesel, tất cả những yếu tố này phá hủy ADN. Vậy nên bạn chỉ có một mẫu vật với lượng rất rất nhỏ ADN”.

Một người đàn ông đứng giữa đống đổ nát và hỏi xem có ai cần trợ giúp sau khi tòa tháp đầu tiên của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ ngày 11/9/2001. Ảnh: AFP

22.000 mảnh thi thể người tìm thấy tại hiện trường đã được đem đi xét nghiệm - nhiều trong số đó đã được xét nghiệm tới 10, 15 lần.

Cho tới nay, chỉ 1.642 trong tổng số 2.753 người thiệt mạng được xác định danh tính. 1.111 người chưa thể nhận dạng.

Nhiều năm trôi qua, phòng thí nghiệm còn chưa được đặt tên, nhưng không ai từ bỏ công việc.

Ông Desire không cho biết ngân sách chính phủ cho chương trình tìm kiếm danh tính các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 nhưng khẳng định đây là phòng thí nghiệm hiện đại nhất ở Bắc Mỹ.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Tháng 7, gần một năm sau lần nhận dạng thành công gần nhất, phòng thí nghiệm có thể đưa một thành viên mới vào danh sách - Scott Michael Johnson, một nhà phân tích tài chính 26 tuổi, làm việc trên tầng 89 của tòa tháp Nam.

Tôi thực sự rất vui”, Veronica Cano, một trong số những nhà tội phạm học của đội nghiên cứu, nói. “Chúng tôi được đào tạo để không bị phân tâm, bởi mọi người đều bị ảnh hưởng bởi vụ khủng bố theo cách nào đó. Tôi vẫn cố gắng làm việc một cách chuyên nghiệp và đem lại kết quả cho các gia đình (nạn nhân)”.

Việc nhận dạng nạn nhân vụ 11/9 chỉ chiếm một phần trong số các hoạt động của phòng thí nghiệm. Nơi đây còn xử lý việc xác nhận danh tính các trường hợp tử vong và mất tích khác.

Công việc của nhóm diễn ra tại các văn phòng riêng biệt, nằm cách khu vực từng là Ground Zero trước kia khoảng 2 km.

Thân nhân vụ 11/9 đôi khi ghé qua phòng thí nghiệm. “Tôi cảm thấy thật cảm động trước những cái ôm và lời nói cảm ơn của họ”, Cano nói. “Điều này rất ý nghĩa khi nhắc tôi rằng mình đang làm được điều gì đó cho người khác”.

Nhân viên làm việc tại phòng xét nghiệm y khoa ở New York. Ảnh: Reuters

Người thân nạn nhân đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận dạng bởi mẫu ADN mà họ cung cấp được dùng để so sánh với mẫu ADN trên thi thể.

Văn phòng giám định pháp y hiện giữ khoảng 17.000 mẫu ADN, nhưng không mẫu nào trong số đó tương thích với khoảng 100 nạn nhân. Điều này khiến nỗ lực xác định danh tính các thi thể thêm khó hơn.

Khi phòng thí nghiệm hoàn tất việc xác định danh tính một nạn nhân, họ sẽ thông báo với người thân của họ. “Khi bạn nhận thông báo, hồi ức khủng khiếp sẽ trở về, bạn sẽ nghĩ về cái ngày người thân của mình ra đi”, Mary Fetchet, người mất đứa con trai Brad, 24 tuổi, nói. “Nhưng điều đó cũng an ủi bạn khi đã có thể yên lòng chôn cất người thân”. Fetchet là người đồng sáng lập Voices - nhóm giúp đỡ những người bị ảnh hưởng từ vụ khủng bố 11/9 và các bị kịch khác.

Ở Manhattan, Desire là thành viên ban đầu duy nhất của nhóm pháp y còn làm việc trong dự án. “Chúng tôi rất thân thiết với các gia đình và điều này không thường thấy đối với những chuyên gia pháp y. Chúng tôi đều được đào tạo để vô tư, không thiên vị, không có cảm xúc. Nhưng với gia đình nạn nhân vụ khủng bố ở Trung tâm Thương mại Thế giới thì khác”.

Năm 2001, người đứng đầu văn phòng pháp y, Charles Hirsch, hiểu rằng việc nhận diện danh tính các nạn nhân không phải là chuyện một sớm một chiều. Ông đã yêu cầu các thi thể nạn nhân đều phải được bảo quản tốt.

Đội pháp y gồm các thành viên tới từ khắp các quốc gia, từ Argentina tới Nam Phi. Khi gặp gỡ các gia đình của các nạn nhân, nhóm nghiên cứu nói về “tương lai, về những gì đang làm nhằm giúp nhận dạng được nhiều nạn nhân hơn”.

Vào thời điểm vụ tấn công xảy ra, những chuyên gia trong phòng thí nghiệm này, có lẽ còn đang học ở trường tiểu học hoặc trung học. “Nhưng họ hiểu được tầm quan trọng của việc mình đang làm”, ông Desire cho hay.

Chia sẻ

Bài viết

Trọng Hiếu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất