Thời gian này để gặp gỡ và trò chuyện với NSƯT Minh Vượng còn “khó hơn lên trời”, bởi lẽ ngoài công việc giảng dạy 7 ngày/tuần tại khoa Kịch - trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tham gia chấm thi, biểu diễn và dựng nhiều vở kịch cho sân khấu học đường của nhà hát Chèo Hà Nội, chị còn tất bật chuẩn bị mọi thứ cho mâm tết cổ truyền.
Sau nhiều lần hẹn lịch phỏng vấn, người viết đã “bắt cóc” được nghệ sĩ Minh Vượng trong chính ngôi nhà của chị. Ngôi nhà ấm cúng được trang hoàng lộng lẫy với câu đối, hoa đào… Những vật dụng trang trí đặc trưng của người Hà Nội. 15 phút trò chuyện ngắn ngủi nhưng đủ để nghệ sĩ hài kịch gạo cội này trải lòng về cuộc sống, công việc cũng như những dự định trong năm 2016 với độc giả Saostar.vn
“Tôi ngưỡng mộ Trường Giang”
- Được biết, NSƯT có rất nhiều bệnh, một ngày 4 mũi tiêm, vậy làm sao chị có đủ sức khỏe để đứng lớp 7 ngày/tuần, lại còn tham gia dựng nhiều vở kịch cho nhà hát Chèo Hà Nội?
- Đó là nghị lực sống của mỗi con người. Khi ta nghĩ rằng ta bệnh ta sẽ bệnh và ta nghĩ ta không có bệnh thì không có bệnh. Tôi bị tiểu đường nặng và phải duy trì 4 mũi insulin mỗi ngày. Hơn nữa, hiện giờ khoa học rất hiện đại, vấn đề sức khỏe của tôi cũng không quá đáng ngại.
- Chị nghĩ rằng hài kịch hiện nay có còn phù hợp với mình?
- Theo tôi, thị trường hài kịch hiện nay trăm hoa đua nở. Phù hợp hay không là do cách công chúng cảm nhận tiểu phẩm đó như thế nào. Khán giả của 10 năm trước, họ khó tính hơn bây giờ. Mỗi một tác phẩm hài kịch đều mang tính giáo dục, thẩm mỹ cho người xem. Cho nên, với những nghệ sĩ làm ra “món ăn tinh thần” ấy cũng phải rất cẩn trọng khi “thực khách” của họ là những người “sành ăn” và am hiểu sân khấu hài.
- Chị đánh giá như thế nào về lớp nghệ sĩ hài trẻ ở nước ta hiện nay?
- Nghệ sĩ hài trẻ ở Việt Nam hiện nay năng động hơn thế hệ của chúng tôi. Ở sân khấu hài miền Nam, hiện đang nổi lên những 2 tên tuổi Trấn Thành và Trường Giang. Đó là hai gương mặt khán giả yêu mến, đồng thời cũng là hai diễn viên rất hoạt ngôn và thông minh. Tiếng cười họ đưa đến cho khán giả đủ độ, không quá lố. Với hai diễn viên này, tôi thực sự ngưỡng mộ Trường Giang, bởi Trường Giang là một diễn viên hài diễn bi kịch rất giỏi.
Còn ở thị trường hài kịch miền bắc, tôi ấn tượng với diễn viên Quốc Anh. Quốc Anh là diễn viên nổi tiếng của nhà hát Chèo Hà Nội. Tôi thích Quốc Anh diễn chính kịch và bi kịch nhiều hơn. Đó là may nắm của anh ấy khi được Tổ nghiệp đãi. Giống như NSƯT Xuân Hinh, khi ra sân khấu, anh chưa cần phải diễn khán giả đã cười không ngớt.
- Là một nghệ sĩ hài, đồng thời chị là một nhà giáo giảng dạy bộ môn Kỹ thuật biểu diễn ở khoa Kịch, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, hài kịch miền Bắc và miền Nam có một ranh giới khác biệt nhất định, không chỉ về kỹ thuật biểu diễn.
- Giới chuyên môn từng đánh giá khoảng 15 - 20 năm trước, kỹ thuật biểu ở hai miền Nam - Bắc khác hẳn nhau. Nhưng bây giờ kỹ thuật biểu diễn ở miền Nam và miền Bắc ngang bằng nhau, thậm chí ở miền Nam còn tươi mới hơn và có những bước đột phá trong cách dàn dựng và biểu diễn. Điều này, cũng được nhìn nhận qua Hội diễn sân khấu vừa rồi.
Hiện tại, sân khấu hài kịch miền Nam được xã hội hóa, việc đầu tư vào kịch bản, dàn dựng cũng như chọn những diễn viên ăn khách rất bài bàn. Qua Hội diễn sân khấu ở Thanh Hóa thì diễn viên phía Bắc cũng phải nên nhìn nhận lại mình, nếu không muốn bị tụt hậu.
- Theo chị, lý do gì khiến hài kịch miền Bắc không còn được chuộng như 10 năm về trước?
- Diễn viên miền Bắc 10 năm về trước tôi không nói làm gì. Những vở kịch như Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý của loạt diễn viên gạo cội ở Nhà hát Kịch Trung ương và Nhà hát kịch Hà Nội được khán giả TP HCM rất yêu mến.
Chúng tôi hay nói đùa “bao giờ cho đến ngày xưa”, những năm 1985, tôi diễn vở Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ, một ngày diễn 3 ca, không có giờ nghỉ nhưng khán giả lúc đó thật nồng nhiệt. Thời đó, không có nhiều loại hình vui chơi, giải trí nên khán giả “đổ” về nhà hát để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật. Còn bây giờ, do sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, khán giả chỉ cần ngồi nhà cũng có thể xem được những tiết mục hay, không cần phải đến nhà hát.
Ngoài ra, ách tắc giao thông cũng là một trong những lý do khiến khán giả không còn mặn mà đến với sân khấu kịch.
- Được biết mấy năm gần đây, NSƯT Minh Vượng biểu diễn nhiều ở sân khấu thiếu nhi thay vì xuất hiện trên các chương trình hài kịch truyền hình. Tại sao lại có sự thay đổi như vậy?
- Ngoài công việc giảng dạy bộ môn kỹ thuật biểu diễn ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hay thỉnh giảng cho những người làm phim không chuyên ở trung tâm TPD của anh Đặng Chuyên, tôi còn tham gia biểu diễn và dựng nhiều vở kịch cho các em thiếu niên - nhi đồng.
Cũng xin được nói thẳng, hiện nay môn Đạo đức ở các trường tiểu học không được chú trọng, ngôn ngữ biểu cảm của trẻ em cũng rất kém. Cho nên, tôi vào các trường học, biểu diễn cho các em thiếu nhi, đưa những câu chuyện cổ và thông quá đó để truyền tải đến các em lòng nhân hậu, sự quan tâm của cộng đồng với cá nhân và cá nhân với cộng đồng.
Tôi rất biết ơn NSƯT Thúy Mùi đã mời tôi về công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội để tôi có cơ hội thực hiện được những việc này.
- 5 năm gắn bó với sân khấu học đường, có kỷ niệm nào khiến NSƯT Minh Vượng khắc cốt ghi tâm?
- 5 năm gắn bó với sân khấu học đường, tôi đã chứng kiến những câu chuyện rất cảm động. Ngày 21/9 vừa rồi, tôi diễn tại Cung Văn hóa thiếu nhi, vào đúng đêm rằm trời mưa to. Mưa thì diễn viên nào cũng ngại ra diễn nhưng tôi vẫn biểu diễn bình thường. Diễn được 5 phút thì có người của ban tổ chức cầm ô che cho tôi. Ngày hôm sau Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đọc tin tức và rất cảm động trước việc làm của tôi. Phó thủ tướng đến tận nhà tặng quà và thăm tôi. Tôi cho rằng, đây là món quà vô giá mà không phải nghệ sĩ nào cũng được cảm nhận một cách chân tình như vậy.
Với một người nghệ sĩ, cái quan trọng không phải là tiền, huân, huy chương mà chính cái tâm của người xem đón nhận và chia sẻ, điều này mới thực sự quan trọng và ý nghĩa.
“Ngoài đời tôi nội tâm và ít nói”
- Chị từng chia sẻ, công việc của chị trải tử 6h sáng đến 23h khuya, không có thời gian để thở. Việc “vùi đầu” vào công việc như vậy có phải cách để chị quên đi nỗi cô đơn của một người phụ nữ không chồng, không con?
- Gia đình tôi gồm 6 anh em. Tôi là thứ 2 và các em của tôi đều có gia đình. Tôi không có thời gian để buồn chỉ vì cuộc sống không chồng, không con. Thời gian của tôi để dành cho công việc, cho gia đình. Điều quan trọng của một nghệ sĩ là mang lại tiếng cười, sự cảm thông, chia sẻ đến cho khán giả, vậy tại sao chính trong ngôi nhà của mình, mình không làm nó ấm cúng, không dạy dỗ chính con cháu nhà mình. Cho nên, không bao giờ tôi thấy cô đơn.
- Có một nhạc sĩ đã từng nói đại ý: Người nghệ sĩ trên sân khấu huy hoàng bao nhiêu thì bước xuống vẫn là những cá thể mang những cảm xúc rất con người, chị nghĩ sao trước nhận định này?
- Điều đó đúng chứ! Khi bạn bè, khán giả gặp tôi ngoài đời, họ ngạc nhiên lắm. Bởi lẽ, trên sân khấu, tôi ăn mặc quần áo “hoa hòe hoa sói”, đóng những vai ngoa ngôn thì ngoài đời tôi nói ít, nội tâm, thích những bộ trang phục màu lạnh. Với tôi, thời trang không làm tôi rúng động.
- Là một trong những nghệ sĩ rất thân thiết với NSƯT Hoài Linh, chị nghĩ sao khi vị danh hài “mình hạc xương mai” này tất bật chạy show sự kiện để kiếm tiền xây nhà thờ Tổ, thực hiện tâm nguyện lớn nhất cuộc đời?
- Với Hoài Linh - một đàn em mà tôi rất quý trọng, bởi Hoài Linh sống rất nhân hậu, có tâm với nghề, với Tổ và với các nghệ sĩ trẻ.
Tôi nhớ, trong một lần vào TP HCM chơi, Hoài Linh mỗi lần diễn còn đeo túi truyền nước và chính tôi đã đưa cho Linh một bài thuốc, đó là một nắm lá dâu, lá tre và đậu xanh có vỏ, sắc lên uống thay nước. Linh nghe lời và đã chữa khỏi. Sau khi khỏi bệnh, Linh đã trồng dâu quanh nhà để cho những ai bị bệnh có thể lấy làm thuốc. Tôi đánh giá rất cao Hoài Linh và cảm động trước tấm chân tình của em ấy với Tổ nghề, với anh chị em nghệ sĩ. Trong mắt tôi, Hoài Linh là số một.
- Năm hết tết đến, chị có mong muốn hay dự định gì cho bản thân không?
Năm nào tôi cũng cầu mong sân khấu khởi sắc, điện ảnh khởi sắc, có nhiều kịch bản vào đạo diễn hay, có nhiều lớp diễn viên sân khấu tài năng. Và hơn bao giờ hết, nghề Tổ phải được trân trọng, được gìn giữ. Còn bản thân tôi chỉ mong có sức khỏe để có thể cống hiến những vở kịch hay, đặc sắc đến với khán giả, nhất là với những bé thiếu nhi.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị, Chúc chị có nhiều sức khỏe để cống hiến những tác phẩm hài kịch hay đến với công chúng!