Giải Trí

Maxk sai! Nhưng đã đến lúc người 'đúng' cần một cách cư xử hợp tình hơn!

Ái Kỳ
Chia sẻ

Sống giữa thế giới phẳng, người trẻ trở nên nhạy cảm với thời cuộc, và dễ “xù lông” trước mọi thứ. Lên án cái xấu là điều thực sự nên làm, nhưng hãy bình tĩnh để đưa ra những lời góp ý thay vì "thẳng tay" công kích cá nhân, thậm chí xúc phạm nặng nề khi ai đó "lỡ dại".

Đạo là sai. Nhưng thế nào là đạo? Đạo cái gì? Đạo như thế nào? - thì lại không có ranh giới rõ ràng. Vậy, để khẳng định một ai đó đạo hoặc không - là điều thưc sự rất khó. Thành ra, phải tranh cãi - chứ nếu mọi thứ có chuẩn mực rõ ràng như 1+1=2, thì chẳng cần ồn ào, cứ theo luật mà phán.

Kẻ trộm là sai, nhưng những người “nhào vào” để “đánh đập” - chưa chắc đúng. Đã thế lại đung vào tài năng - chất xám: lãnh địa của sự cạnh tranh khốc liệt, của những tâm hồn rất nhạy cảm, thì chẳng ai chịu sắm vai “hoa hậu thân thiện”, để nhẹ nhàng nhắn nhủ nhau hãy tử tế, văn minh, nhất là khi, trong sự lên án kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” thì rất có thể, ở một góc độ nào đó, có cả sự ghen tỵ nằm trong đó.

Nhưng, với góc nhìn “xấu chàng hổ thiếp” - càng làm rùm beng lên, thì không chỉ nhân vật chính mà tất cả những người đã nhiệt tình thu thập chứng cứ, liên hệ tứ phương để chặt chẽ hóa những luận cứ “buộc tội” của mình thì chưa chắc đã là cách làm “văn minh” nhất.

Bởi lẽ, người ngoài họ sẽ bảo: đến cả một sản phẩm “đạo nhái” mà xứ này cũng chẳng phân biệt nổi, lại có lúc từng hớn hở tôn vinh, xong giờ lại “xí nhầm”, lại “vạch áo cho người xem lưng”.

Hơn nữa, giá trị của mỗi sản phẩm cuối cùng được đo đếm về mức độ “truyền cảm hứng” và tạo những giá trị tốt đẹp cho khán giả và người xem - nếu sản phẩm đó tạo được giá trị tích cực cho người đón nhận - thì có thể coi đó là một trong những “tình tiết” để “giảm tội”. Cũng không nên công kích một cách nặng nề và dễ gây tổn thương: đồ lừa đảo - lừa đảo niềm tin của những người thưởng thức vô tư, lừa đảo cộng đồng làm nghề để nhận những suy tôn về năng lực, lừa đảo giới truyền thông báo chí để nhận lại những cái nhìn trầm trồ, ngưỡng mộ.

Tuy vậy, làm nghệ thuật, đã không định nghĩa được “sáng tạo” thì càng không nên quy chụp: sáng tạo là phải-khác-biệt. Vì nếu thế, dư luận lại lao vào một cuộc chiến khác: thế nào là khác biệt?

Nếu nói khác biệt chỉ hạn hẹp trong chuyện không-được-giống thì không riêng gì Maxk đâu, vài hôm dăm ba bữa sẽ lại thấy một tên tuổi khác vướng vào ồn ào, nhất là khi “không có gì mới dưới ánh mặt trời” - những điều mình cứ ngỡ là khác, là mới, đều có thể đã-tồn-tại trước đó, ở một nơi khác, hoặc trong tầm kiến thức khác - chỉ có điều chúng ta… chưa phát hiện ra thôi.

Còn nếu mở rộng cách nhìn, khác biệt trong cảm nhận, thì không-tác-phẩm-nào đáng bị gọi là đạo. Sở dĩ các sản phẩm của Maxk tạo được sức ảnh hưởng là vì nó… liên quan đến Sài Gòn, đánh thức người xem tìm về những góc giản dị nhất của cuộc sống hoa lệ nơi đây. Hơn thế nữa, từ đó tạo ra tình yêu, sự gắn kết với thứ tình cảm tưởng chừng đã có những lúc bị quên lãng. Chính “Sài Gòn” là từ khóa của Maxk Nguyễn, là chìa khóa mở cánh cửa cảm xúc của người xem, khiến Vịt lộn vịt dữa cút lộn, Sài Gòn sau vai, Saigonemoji, Sài Gòn 3 mét vuông trở thành “hiện tượng”. Tài năng của Maxk là nắm bắt được “tần số” của đám đông người thưởng thức, chỉ có điều cách thức anh làm là 'rất rất sai'.

Và cách anh giải quyết khủng hoảng cũng khiến dư luận… phát điên, bằng chứng là: ngày càng đông những người trong nghề lao vào “cuộc chiến” đòi công bằng - nhưng, công bằng này là cho ai? Cho ngành nghề họ đang dấn thân, cho Maxk hay chỉ là… cho chính bản thân người tố cáo?

Lên-án-cái-xấu là tốt, nhưng người tốt thì không hành động xấu bao giờ, mà hành động xấu ở đây - trong câu chuyện của Maxk, đó chính là thái độ hung hãn đến hả hê của rất nhiều người. Có gì đáng hân hoan trong câu chuyện: một bên bị tố sắp tiêu tan những cống hiến từ trước đến giờ (trong đó có rất nhiều điều tích cực), một bên đám đông những người tố thì đang nổi trận lôi đình, còn bên cuối cùng là dư luận và những người “thuần thưởng thức” thì rối tinh rối mù, hoang mang bởi có quá nhiều bên cùng “tham chiến”.

Chưa bao giờ việc công kích người khác lại trở nên dễ dàng như bây giờ, khi chỉ cần một cú click chuột là đã có thể gửi lời bóng gió, đăng đàn, dằn mặt hay “phóng dao” vào ai đó. Chỉ cần một email “kêu cứu” gửi đi là đã có thể kêu gọi thêm biết bao nhiêu “đồng minh” từ khắp nơi trên thế giới gia nhập vào đội hình: tố cáo một ai đó.

Động cơ thật sự là đòi công bằng cho những bản gốc hay “đánh đập” người trong cuộc? Có lẽ là cả hai, nhưng “dung lượng” cho vế thứ hai có vẻ nhiều hơn! Là bởi vì, tác giả của những bản gốc không mất gì trong “cuộc chiến” này, nhưng tác giả của những “bản sinh sau bản gốc” lại đang điêu đứng, thương tổn và quan trọng nhất là “sứt mẻ” uy tín sau vụ việc đình đám.

Chưa bao giờ việc “buộc tội” người khác lại trở nên dễ dàng đến thế, hết đạo nhạc, mại dâm, giờ là đến đạo ý tưởng - thật khó để bênh vực Maxk, nhưng cũng thật khiên cưỡng để hoan nghênh những người hả hê trước việc “bắt thóp” và “buộc tội” người khác.

Mọi khuyên giải, tố cáo sẽ là món “hàng hiệu” mỹ miều, thấm sâu vào người phạm lỗi và cả công chúng nếu như dừng lại ở mức độ diễn đạt khách quan với một thái độ cầu thị, xây dựng. Nhưng tất cả sẽ ngã đổ sang tường thành bên kia của “hàng chợ” khi một bước chân đi chệch vì một lời nói xuất phát từ sự tức giận, công kích.

Như một tình yêu kết thúc bằng bội phản, dối lừa, người trong cuộc mấy khi oán trách mà không cảm ơn những cảm xúc đáng giá đã từng, câu chuyện của Maxk cũng thế: dù kết thúc đầy ngỡ ngàng, chua chát cho những niềm tin bị tổn thương, nhưng dù sao cũng vẫn phải thừa nhận rằng, những cảm xúc anh mang lại qua những sản phẩm của mình, là điều không thể chối bỏ.

Maxk đã xin lỗi công khai, và đó là điều chúng ta nên ghi nhận sự dũng cảm này. Sai thì nhận, xin lỗi, chỉnh sửa và đền bù thiệt hại cho bên “bị”. Còn với những người đã tổn thương vì hành động của Maxk, đã bức xúc và thất vọng về Maxk thì hãy mở lòng bao dung, để 9x có cơ hội “làm lại” bằng chính sức lao động, sáng tạo của mình. Bởi, nếu chúng ta cứ quá khắt khe mà không bao dung, thì có lẽ đến một lúc nào đó, chúng ta vô tình trở thành những ngườ ích kỷ.

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Thiết kế

Nghiêm Nguyễn

Tin mới nhất