Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Gặp gỡ chuyên gia trang điểm người Việt hiếm hoi trong đoàn phim 'Kong: Skull Island'

Là một trong 10 người được đoàn phim bom tấn tuyển chọn trang điểm cho nhóm diễn viên Việt Nam, chị Fi Make-up hay Fiona - cái tên quen thuộc bạn bè thường gọi - chia sẻ kỷ niệm của chị trong 10 ngày gắn bó với đoàn.

- Chị được đoàn phim mời làm chuyên viên hóa trang trong hoàn cảnh như thế nào?

- Có lẽ là nhờ cái duyên. Trước đây, tôi có làm một TVC cho Sean Trace - chồng của ca sĩ Phương Vy. Sean rất quý tính cẩn thận và chỉn chu trong nghề của tôi. Hôm đoàn phim sang đây, họ cần tìm một số chuyên gia trang điểm Việt Nam hỗ trợ và nhờ một chuyên viên hóa trang - người từng hoá trang cho nhiều bộ phim lớn ở Hollywood - khi ấy đang ở Việt Nam tìm giúp. Anh bạn này là bạn của Sean và ngỏ ý hỏi thăm. Vậy là, Sean nghĩ ngay đến tôi. Sau đó, thành viên của đoàn đến, thử tay nghề và họ mời tôi vào.

Chị Fi chèo thuyền tại động Tam Cốc.

Chị Fi chèo thuyền tại động Tam Cốc.

- Cụ thể, chị trang điểm cho nhóm diễn viên nào trong đoàn? Và có bao nhiêu chuyên viên trang điểm Việt Nam làm việc với đoàn?

- Nghệ sĩ hóa trang chính cho đoàn Kong: Skull Island là Bill Corso, người từng hóa trang cho Deadpool ra rạp hồi tháng 2. Có 35 chuyên viên trang điểm người Việt, trong đó có 10 người được xếp vào nhóm chính. Tôi nằm trong nhóm 10 người đó. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm việc với các chuyên viên người Úc trang điểm cho nhóm diễn viên quần chúng, diễn cảnh ở ngôi làng. Hiện tại, vì lý do bảo mật của đoàn, tôi chỉ có thể nói là mình được trang điểm cho một diễn viên được quay cận cảnh rất nhiều.

Chị Fi chụp ảnh cùng Bill Corso - nghệ sĩ hoá trang chính của “Kong: Skull Island”.

Chị Fi chụp ảnh cùng Bill Corso - nghệ sĩ hoá trang chính của “Kong: Skull Island”.

- Trong thời gian làm việc, chị ấn tượng điều gì nhất ở họ?

- Đó là sự chuyên nghiệp và sự tôn trọng từng thành viên trong đoàn, bất kể bạn là ai, lao công, nấu ăn, tạp vụ,… vì họ hiểu nếu không có những cá nhân đó thì những người khác không thể làm tốt nhiệm vụ của họ. Sự chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ một diễn viên quần chúng thôi nhưng có đến 2 chuyên viên trang điểm, một người Việt, một người Úc cùng phối hợp. Thứ 3, tôi ấn tượng với sự khích lệ và sự nhiệt tình của các bạn người Úc.

Mặc dù cũng quen với việc hóa trang nhưng cả đoàn chúng tôi đều được huấn luyện lại, khi làm chưa đúng, chưa đạt, họ đều khích lệ để phấn đấu. Và, những lúc rảnh rỗi, các bạn người Úc rất là dễ thương, biết các bạn hóa trang bên mình thiếu thốn đồ nghề hóa trang chuyên môn nên chỉ dẫn rất tận tình. Tôi nghĩ, việc được mục sở thị một tiết mục hóa trang nó ý nghĩa lắm so với mình mày mò học trên mạng.

Chị Fi chụp ảnh cùng bà Yvonne Savage - chuyên gia hoá trang người Úc - thành viên trong ekip hóa trang của “Max Mad: Fury Road”.

Chị Fi chụp ảnh cùng bà Yvonne Savage - chuyên gia hoá trang người Úc - thành viên trong ekip hóa trang của “Max Mad: Fury Road”.

- Chị có được gặp gỡ, tiếp xúc với diễn viên chính nào trong đoàn không?

- Đoàn rất là chuyên nghiệp và có sự phân chia khu vực rõ ràng, ai ở đúng vị trí của người ấy. Với các diễn viên chính, họ có một xe trang điểm riêng. Chúng tôi đứng từ xa có thể nhìn thấy họ nhưng không thể tiếp xúc.

Diễn viên dù là quần chúng nhưng rất là vất vả, phải ngồi 8 tiếng một ngày để hóa trang. Bác nhân vật tôi hóa trang khá lớn tuổi nên ngồi lâu, bác mệt. Tôi có đi lại bàn lấy café, đúng lúc ấy Tom Hiddleston bước lên xe hóa trang chính. Tom rất là thân thiện, chủ động chào tôi và tôi chào lại nhưng không xin chụp ảnh. Nội quy đoàn phim rất chặt, nếu lúc đó có thành viên nào trong đoàn nói gì đó thì mình làm hỏng hình ảnh của mình và cả người Việt nữa.

- Ngoài kinh nghiệm hẳn trong 10 ngày đó cũng có rất nhiều kỷ niệm, phải không chị?

- Đó là lòng yêu nghề. Tôi được làm việc với bà Yvonne Savage, một thành viên trong nhóm hóa trang của phim Mad Max: Fury Road, vừa được giải hóa trang xuất sắc nhất tại Oscar 2016. Bà đáp máy bay xuống Việt Nam ngay đêm trao giải và được tin đoàn phim nhận giải, bà hạnh phúc lắm. Tôi thấy được đam mê, lòng yêu nghề của bà và tôi như được tiếp lửa vậy.

Đó còn là sự quý mến của các thành viên trong đoàn dành cho nhau. Là tình cảm của diễn viên quần chúng và người hóa trang. Bác diễn viên được tôi hóa trang rất quý, có hẹn khi nào xong, đi thăm quan Tam Cốc thì ghé nhà bác. Đó là ngôi nhà hơn 300 tuổi. Cả bác và vợ bác rất quý chúng tôi, đều mang thịnh tình ra mà đối đãi.

Chụp ảnh với bác Lâm - diễn viên trong Kong: Skull Island tại ngôi nhà 300 năm tuổi của Bác.

Chụp ảnh với bác Lâm - diễn viên trong Kong: Skull Island tại ngôi nhà 300 năm tuổi của Bác.

- Nhìn lại ngành hóa trang của Việt Nam mình, chị mong muốn điều gì?

- Phim Việt đang ngày càng phát triển nhưng ngành hóa trang chưa đi kịp. Hầu như, những phim lớn, có tiếng vang đều do các chuyên viên Việt Kiều thực hiện. Tôi chỉ mong có một ngôi trường hoặc một khoa chuyên biệt trong trường Sân Khấu - Điện ảnh dạy về nghề này.

Đường vào ngôi nhà 300 tuổi của bác Lâm.

Đường vào ngôi nhà 300 tuổi của bác Lâm.

- Câu hỏi cuối cùng, không liên quan đến đoàn phim, biệt danh Fiona xuất phát từ đâu vậy chị?

- A, từ phim Shrek! Cô công chúa da xanh ấy. Bạn bè tôi đi xem về đều bảo tôi chẳng khác nào bản sao của cô ấy, cũng tóc đỏ, cũng mũm mĩm và tính tình y hệt, trừ màu da thôi!

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Chị Thanh Hằng - với biệt danh Fi/Fiona - làm quen với nghề cầm cọ từ năm 1999, khi còn là sinh viên năm nhất. Càng làm càng thấy mê cho nên dù đã tốt nghiệp hai trường Đại học, có công việc ổn định bao người mơ ước nhưng chị vẫn quyết định dừng việc, sống cho đam mê. Khác với nhiều người bằng mọi giá phải làm nghề để có mối quan hệ, phải chạy theo các đoàn phim để quảng bá hình ảnh, tên tuổi, để được người ta biết đến, chị chọn cho bản thân một cách sống chậm, chắc và chỉ nhận những dự án phim chị cảm thấy thực sự thích thú.

Gia tài phim ảnh chị tuy không nhiều nhưng đều để lại dấu ấn với 4 phim điện ảnh, 5 phim truyền hình cùng nhiều TVC quảng cáo. Trong đó phải kể đến: Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần, Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất