Sức khỏe

Sở Y tế TP.HCM lý giải nguyên nhân số ca F0 trong cộng đồng tăng cao

Linh Chi
Chia sẻ

Sở Y tế TP.HCM vừa thông tin về tình hình số ca mắc COVID-19 mới những ngày qua.

Chiều 18/8, Sở Y tế TP.HCM vừa có thông tin làm rõ hơn tình hình số ca mắc mới trong những ngày qua ở TP.HCM. 

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), số ca nhiễm trung bình theo ngày trên địa bàn thành phố cao nhất vào tuần lễ từ ngày 23 đến 29/7 với 4.916 ca nhiễm và giảm dần vào các tuần kế tiếp từ 13 đến 17/8 với 3.837 ca nhiễm.

Theo Sở Y tế, phân tích từ số ca mắc trong tuần từ 13 đến 17/8 cho thấy số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt, có hiện tượng tăng nhẹ vào ngày 14 và 15/8 (dao động từ 4.200 - 4.500) sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16 và 17/8 (dao động từ 3.300 - 3.500). Trong đó, số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào ngày 15 và 16/8 (dao động từ 2.900 - 3.000).

Sở Y tế TP.HCM lý giải nguyên nhân số ca F0 trong cộng đồng tăng cao Ảnh 1
Nhiều tuyến phố ở TP.HCM vẫn tấp nập người qua lại trong ngày 17/8. Ảnh: Lao Động

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã có Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh COVID-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 15 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ giai đoạn này do tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả F0. Cụ thể, ngày 17/8 đã phát hiện 1.435 trường hợp F0 trong cộng đồng.

Về công tác điều trị, Sở Y tế cho biết đã thiết lập 3 tầng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. 

Trong đó tầng 1 lần đầu tiên triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với gói thuốc điều trị tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe, đồng thời giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị thuộc tầng 2.

Các bệnh viện thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và các trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giúp giảm các trường hợp chuyện nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho tầng 3.

Ngoài ra, các Trung tâm hồi sức quốc gia đã đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Sở Y tế TP.HCM lý giải nguyên nhân số ca F0 trong cộng đồng tăng cao Ảnh 2
Thuốc kháng virus dạng truyền tĩnh mạch cho cho người bệnh có triệu chứng mức trung bình/nặng ở tầng 2 (Remdesivir). Ảnh minh họa

Để kiểm soát được dịch bệnh, TP cũng bổ sung thuốc kháng virus dạng uống cho người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dùng ở tầng 1 (Molnupiravir) và thuốc kháng virus dạng truyền tĩnh mạch cho cho người bệnh có triệu chứng mức trung bình/nặng ở tầng 2 (Remdesivir). 

Cùng với đó, TP đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, mục tiêu 75% người dân (trên 18 tuổi) tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2 trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất