Sức khỏe

Một học sinh ở TP.HCM ngất xỉu sau khi tiêm vaccine Covid-19

Song Long
Chia sẻ

Một học sinh bất ngờ ngất xỉu trong buổi sáng đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở TP.HCM. Sau khi sơ cứu, em đã tỉnh lại và ổn định sức khỏe.

Sáng nay (27/10), TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Huyện Củ Chi là địa phương đầu tiên được chọn thí điểm tiêm.  

Điểm tiêm đầu tiên tại huyện Củ Chi là Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi (đường Nguyễn Phúc Trú, khu phố 1, thị trấn Củ Chi), với số lượng khoảng 1.500 học sinh lớp 11 và 12 đang học tại 3 trường THPT trên địa bàn Thị trấn Củ Chi bao gồm Trường THPT Củ Chi, Tân Thông Hội và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi.

Trong sáng nay, Phó Chủ tịch UBND .Dương Anh Đức đã đến kiểm tra công tác tổ chức tiêm chủng ở đây.

Từ sáng sớm, đông đảo học sinh của 3 trường THPT đã có mặt tại điểm tiêm để khám sàng lọc trước khi tiêm. 

Theo báo Dân trí, khoảng 9h, một học sinh THPT sau khi tiêm vaccine bất ngờ bị ngất. Sau khi được nhân viên y tế đưa vào phòng hỗ trợ sau tiêm, cho uống sữa, em đã tỉnh lại và sức khỏe dần ổn định. Phụ huynh của nữ sinh sau đố cũng có mặt tại trường và được gọi vào bên trong để chăm sóc con và nghe hướng dẫn của bác sĩ.  

Một học sinh ở TP.HCM ngất xỉu sau khi tiêm vaccine Covid-19 Ảnh 1
Nữ sinh tỉnh lại sau khi được chăm sóc y tế kịp thời. Ảnh: Hải Long

Được biết, vaccine được tiêm trong đợt này là vaccine Pfizer. Sau tiêm chủng, học sinh sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm, được hướng dẫn khai báo sau tiêm trong 7 ngày tại nhà. 

Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM phối hợp cùng Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức tập huấn trực tuyến cho tất cả đội tiêm chủng với khoảng 3.900 nhân viên y tế. 

Các nội dung tập huấn chú trọng như tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ; công tác khám sàng lọc trước tiêm; xử trí phản ứng sau tiêm và tổ chức công tác cấp cứu phục vụ tiêm chủng cho trẻ. Trong tiêm chủng, công tác sàng lọc rất quan trọng. 

Đại diện Viện Pasteur TP.HCM lưu ý, các đội tiêm phải khám sàng lọc kĩ trước khi tiêm vì có thể xảy ra trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra khi tiêm như: Đột quỵ não, đột quỵ tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… 

Ngoài ra, các đội tiêm chủng cần chú ý đến triệu chứng tâm lý dây chuyền khi tiêm (phản ứng lo sợ khi tiêm) cho trẻ với các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tê tay chân… và lây lan ra hàng loạt. Nếu có những biểu hiện trên, cần xử lý cho trẻ ở phòng riêng, trấn an và giải thích cho các trẻ còn lại.

Lưu ý chăm sóc cho trẻ sau tiêm 

Một học sinh ở TP.HCM ngất xỉu sau khi tiêm vaccine Covid-19 Ảnh 2

Sau khi tiêm, trẻ cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, theo dõi kỹ diễn biến sức khoẻ, kịp thời đưa đến cơ sở y tế để xác định được các tác dụng phụ sau tiêm. 

Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường. 

Phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, cho mặc quần áo mỏng, thoáng mát song lưu ý không để nhiễm lạnh, nhắc nhở trẻ uống nhiều nước. Sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, cho uống thuốc hạ sốt với liều cho trẻ 12-17 tuổi là mỗi lần uống một viên paracetamol 500 mg (như panadol, hapacol, tylenol, efferalgan...), ngày uống 3-4 lần.

Trong trường hợp trẻ đau nhức người, bác sĩ hướng dẫn phụ huynh cần trấn an trẻ, kết hợp xoa bóp, động viên, cho trẻ uống nhiều nước, uống thêm nước cam để tăng đề kháng. Nếu tình trạng đau mỏi nhiều, có thể cho uống thuốc giảm đau, liều thấp và theo khuyến cáo của bác sĩ.

Phụ huynh cũng nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, vận động nhẹ nhàng, tránh nằm 1 chỗ. Khi có biểu hiện bất thường như mệt, vã mồ hôi, tay chân lạnh… thì kịp thời đưa tới bệnh viện ngay. 

Chia sẻ

Bài viết

Song Long

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất