Sức khỏe

Bé 2 tháng tuổi ở Hà Nội bị uống nhầm axit, bỏng nặng vì người lớn tưởng vitaminD

Kim
Chia sẻ

Do lọ axit và vitamin giống nhau, người lớn đã bị nhầm lẫn khi lấy cho trẻ uống, hậu quả trẻ bị bỏng nặng vùng miệng, thực quản phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp.

Trẻ bỏng khoang miệng độ III, tổn thương phổi, thực quản do uống nhầm axit

Thời gian gần đây, đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bỏng và di chứng bỏng nặng nề.

Bé 2 tháng tuổi ở Hà Nội bị uống nhầm axit, bỏng nặng vì người lớn tưởng vitaminD Ảnh 1
Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bỏng.

Theo đó, một bé gái 2 tháng tuổi ở Hà Nội đã bị bỏng nặng do sự nhầm lẫn của người lớn.

Theo gia đình chia sẻ, khi cho trẻ uống vitamin, người nhà lấy nhầm lọ Acid trichloracetic 80% (là một chất tương tự axit axetic, được sử dụng cho điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân) để cho trẻ uống, thay vì lấy lọ thuốc Aquadetrim (Vitamin D3) trẻ đang dùng hàng ngày (do hình dáng và màu sắc của hai lọ giống nhau).

Sau khi nhỏ thuốc vào miệng, trẻ khóc thét, hoảng loạn, lúc đó gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn. Trẻ đã được gia đình sơ cứu tại nhà bằng cách rửa khoang miệng bằng nước và đưa đến đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây trẻ được chẩn đoán bỏng axit độ III khoang miệng, tổn thương phổi và theo dõi bỏng thực quản. Sau 10 ngày được điều trị tích cực bằng các thuốc đặc hiệu, sức khỏe của bệnh nhi ổn định và được ra viện. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết trẻ vẫn cần được theo dõi tình trạng ăn uống và hô hấp để quản lý di chứng tổn thương phổi và thực quản sau bỏng.

Ngoài bệnh nhi trên, các bác sĩ còn tiếp nhận một số bệnh nhân bị bỏng khi sinh hoạt tại nhà như bỏng điện, bỏng nước sôi,...phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Khi bị bỏng cần xử lý thế nào?

ThS BS CKII Phùng Công Sáng – Phụ trách đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bỏng là tổn thương cấp tính của cơ thể gây nên bởi nhiệt, hóa chất, dòng điện, bức xạ. Da trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn, nên bỏng thường nặng và sâu.

Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao, nguy cơ shock bỏng cũng cao hơn (dù diện tích bỏng không lớn 3% – 5%).

Bỏng không chỉ gây đau đớn, để lại di chứng về chức năng và thẩm mỹ của cơ thể mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Việc sơ cứu ban đầu tại nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế độ sâu của bỏng, mức độ nặng toàn thân và tránh tình trạng bội nhiễm. Tuy nhiên việc sơ cứu cần người giám hộ trẻ phải bình tĩnh và xử trí đúng cách.

Chia sẻ

Bài viết

Kim

Tin mới nhất