Hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy, việc tiêm phòng Covid-19 kết hợp giữa mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer có thể giúp nâng mức kháng thể trung hoà lên 6 lần so với tiêm hai mũi AstraZeneca.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 499 nhân viên y tế, trong đó có 100 người được tiêm kết hợp hai loại vaccine, 200 người tiêm hai mũi Pfizer và số còn lại tiêm hai mũi AstraZeneca.
Tất cả đều cho thấy có kháng thể trung hoà – nhân tố ngăn chặn virus xâm nhập tế bào và nhân bản, và mức kháng thể ở nhóm tiêm kết hợp 2 vaccine ngang bằng với mức kháng thể ở nhóm tiêm hai mũi Pfizer.
Nghiên cứu này có thể coi như một điểm tựa giúp các quốc gia đưa ra lựa chọn vaccine linh hoạt hơn, hoặc chọn một vaccine thay thế AstraZeneca trong mũi tiêm thứ hai, sau khi loại vaccine này được phát hiện có liên quan đến các ca đông máu hiếm gặp, Reuters nhận định.
Một nghiên cứu của Anh hồi tháng 6/2021 cũng cho kết quả tương tự. Một mũi tiêm AstraZeneca và sau đó là mũi tiêm Pfizer sẽ tạo ra phản ứng tế bào lympho T tốt nhất, đồng thời tạo miễn dịch cao hơn ở người tiêm mũi vaccine Pfizer trước và mũi sau là vaccine AstraZeneca.
Dữ liệu nghiên cứu này đã củng cố cho quyết định của một số quốc gia về việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho AstraZeneca với mũi tiêm thứ hai khi vaccine này có liên quan đến tình trạng đông máu hiếm gặp sau tiêm.
Trước đó, Đức đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mạnh mẽ đề nghị tiêm trộn vaccine. Theo đó, nếu mũi đầu là AstraZeneca, mũi thứ hai nên là vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã góp phần mở đường cho chiến lược tiêm trộn vaccine phòng biến chủng mới của Covid-19. Tháng 6, bà Angela Merkel tiêm mũi thứ hai Moderna kế tiếp mũi đầu là vaccine AstraZeneca.
Ủy ban Thường trực vaccine của Đức (STIKO) đã dẫn “các kết quả nghiên cứu” cho thấy việc tiêm trộn vaccine tạo ra phản ứng mạnh mẽ và chiếm ưu thế hơn so với trường hợp chỉ tiêm một loại vaccine duy nhất.