Bánh chưng
Bánh chưng nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ thích hợp là 5-10 độ C. Ăn đến đâu thì cắt bánh chưng đến đó, phần còn lại dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại.
Khi ăn, bạn chỉ cần hấp, luộc hoặc rán bánh chưng lại là được. Bánh chưng vẫn rất mềm và thơm, không bị ảnh hưởng tới hương vị sau khi chế biến lại.
Với bánh chưng đã bị mốc trắng ở vỏ bánh, bạn chỉ cần bóc vỏ bánh ra là sử dụng được như bình thường. Tuy nhiên, nếu nhân bánh đã bị mốc, lên men mùi chua, dù bạn có cắt bỏ phần hỏng, ăn phần không hỏng thì vẫn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Giò chả
Ngày Tết có rất nhiều giò chả chẳng hạn như giò lụa, giò bò, giò tai, giò xào,…Nếu ăn không hết, bảo quản giò trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được 4-6 ngày, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá. Khi ăn, bạn chỉ cần rã đông tự nhiên rồi chế biến là được.
Các loại dưa muối
Các loại dưa muối, hành muối, củ kiệu,… làm nhiều mà không ăn hết thì bạn nên cho vào lọ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
Thực phẩm ăn ngay trong ngày
Với các thực phẩm ăn ngay trong ngày như món xào, món canh,… bạn không nên để thức ăn trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 tiếng để tránh thức ăn mau hỏng, mất chất dinh dưỡng. Thức ăn còn dư sau bữa ăn bạn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Thức ăn còn nóng thì không nên cho ngay vào tủ lạnh. Bởi lẽ, lúc này thức ăn sẽ bị biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại phát triển, dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Khi lấy thức ăn trong tủ lạnh ra để ăn, bạn nên hâm nóng lại trước khi dùng.
Rau, hoa quả
Nếu muốn bảo quản rau, hoa quả sau Tết được lâu, bạn không nên rửa chúng mà cần nhặt bỏ lá rau bị sâu, dập và hỏng, đồng thời cắt bỏ phần rễ và để ở nơi thoáng mát.
Nếu cho vào tủ lạnh, bạn nên rửa sạch rau, để ráo nước rồi cho vào túi xốp buộc kín hoặc cho vào túi rồi dùng máy hút chân không đóng kín miệng túi. Với máy hút chân không, bạn có thể bảo quản thực phẩm lâu hơn cách thông thường gấp 2-3 lần.