Việc chủ động bổ sung các thực phẩm kháng viêm vào bữa ăn hằng ngày không chỉ giúp bảo vệ hệ miễn dịch mà còn góp phần ngăn ngừa các tổn thương tế bào ngay từ sớm.

1. Các loại quả mọng
Dâu tây, việt quất, nho, anh đào… chứa nhiều chất chống oxy hóa, flavonoid và anthocyanin có tác dụng trung hòa gốc tự do, giảm viêm mạn tính và hỗ trợ bảo vệ DNA khỏi tổn thương. Đồng thời, các loại quả này ít đường, giàu chất xơ nên rất phù hợp cho người cần kiểm soát cân nặng hoặc đường huyết.
2. Bắp cải
Rẻ, dễ chế biến và giàu dưỡng chất, bắp cải chứa vitamin C, E, K, folate và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào, giảm nguy cơ đột biến gen và hỗ trợ hệ miễn dịch. Bắp cải còn được biết đến như một loại rau có khả năng làm giảm viêm dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.

3. Đậu nành và các sản phẩm từ đậu
Đậu phụ, sữa đậu nành hay tào phớ là nguồn protein thực vật dồi dào, chứa isoflavone - hợp chất có cấu trúc tương tự estrogen giúp chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Ngoài ra, chất xơ trong đậu nành cũng hỗ trợ cải thiện chức năng đường ruột và giảm viêm hiệu quả.
4. Nghệ
Curcumin – hoạt chất chính trong củ nghệ – đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng kháng viêm mạnh, hỗ trợ làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp, viêm ruột và thậm chí là ung thư. Để tăng khả năng hấp thụ curcumin, nên kết hợp nghệ với tiêu đen trong khi nấu ăn.

5. Các loại cá béo
Cá hồi, cá mòi, cá thu… rất giàu omega-3 – loại axit béo có khả năng điều hòa phản ứng viêm, bảo vệ tim mạch và hạn chế sự hình thành khối u. Ăn cá béo 2-3 lần mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm mạn và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Thay vì đợi đến khi phát hiện bệnh mới kiêng khem, việc xây dựng một chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm từ sớm chính là cách chủ động để phòng ngừa ung thư và các bệnh lý mạn tính nguy hiểm. Một thực đơn lành mạnh, kết hợp vận động đều đặn và giữ tinh thần tích cực sẽ là “lá chắn” hiệu quả cho sức khỏe lâu dài.