Theo đó, đàn gà 800 con của gia đình ông P.T.P (thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) có 300 con chết, 500 con còn lại bị bệnh với các triệu chứng: bỏ ăn, xù lông, ho, sưng phù đầu, mặt, mào, xuất huyết ở chân, đi lại khó khăn… dù đàn gà tại hộ gia đình này đã được tiêm vắc xin ngừa dịch tả, Gumboro, H5N6.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Chi cục thú y vùng IV và chính quyền địa phương tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm tại hộ gia đình ông P.T.P có gia cầm bị bệnh để xét nghiệm bệnh cúm.
Ngày 24/11, kết quả của Chi cục thú y vùng IV cho thấy mẫu xét nghiệm dương tính với virus cúm A (H5N8).
Đàn gia cầm được tiêu hủy bằng cách đào hố chôn, rải vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại nơi chôn và khu vực chăn nuôi và vùng lân cận.
Ngoài thực hiện việc tiêu hủy đàn gia cầm, ngành chức năng cũng thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch và môi trường xung quanh, hạn chế người ra vào ổ dịch. Hiện tại chưa phát sinh thêm hộ chăn nuôi nào có dịch A (H5N8).
Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thông tin, đây là lần đầu tiên ghi nhận dịch cúm A/H5N8 xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng mưa rét kéo dài đang là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Trước đó, vào tháng 3/2021, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A H5N8 sang người khi phát hiện bảy công nhân ở trang trại chăn nuôi gà ở Nga bị nhiễm vi rút cúm A (H5N8).
Đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người mặc dù vi rút này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016. Tất cả bảy ca mắc ở người đều không có triệu chứng. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào về việc vi rút này gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người, do vậy những trường hợp bệnh này do gia cầm bị nhiễm bệnh lây truyền sang người.