Rau luộc là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng có thói quen sau khi vớt rau ra chấm nước mắm, họ sẽ tận dụng nước luộc rau để làm canh.
Tuy nhiên, nước luộc rau một thời gian bắc ra khỏi bếp sẽ chuyển sang màu xanh đậm, điều này khiến nhiều bà nội trợ không khỏi lo lắng rằng, liệu rau vừa luộc có đảm bảo an toàn, nước luộc rau chuyển sang màu xanh có làm sao không, có thể tiếp tục sử dụng hay không?
Thậm chí, nhiều người còn đoán rằng, sự đổi màu kể trên là do rau tồn dư nhiều thuốc trừ sâu hay các loại hoá chất độc hại. Vì thế, họ không dám sử dụng nước luộc có màu xanh quá đậm.
Liên quan đến vấn đề này, theo VTC News, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nước luộc rau muống màu xanh đậm là chuyện bình thường, do có nhiều chất kiềm và hàm lượng canxi cao.
“Đôi khi trong nước có dư lượng canxi, maggie, cộng với tính kiềm nên nước sẽ bị chuyển sang màu xanh như vậy. Nước luộc rau như thế là bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng cũng như sức khỏe. Ngoài ra, nước rau xanh đậm hay nhạt không liên quan gì đến thuốc trừ sâu cả. Nếu nước luộc tồn dư thuốc trừ sâu thì sẽ có mùi rất hắc của chất hóa học, ngửi là biết ngay”, PGS Thịnh nói.
Theo ông, nếu muốn nước rau muống xanh đẹp mắt, nên cho 1 thìa nhỏ muối ăn vào. Việc cho sấu hoặc nước chanh, quất vào nước luộc khiến nước nhạt màu hơn, đó là do axit tác động làm mất diệp lục, không có gì lạ.
“Rau muống nhiễm chì khi luộc sẽ có màu hơi đục, dù cho thêm chanh và sấu thì nước vẫn không thay đổi màu sắc”, ông Thịnh khuyến cáo. Chuyên gia này khuyên không mua những bó rau muống có màu xanh đen, xanh đậm vì có khả năng rau nhiễm chì.
Bên cạnh đó, màu sắc nước luộc rau còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian luộc, loại rau củ bạn sử dụng và cách luộc. Nếu rau tương đối già, nấu lâu trên bếp thì nước luộc sẽ không có màu sắc tươi, màu nước dễ ngả đậm.