Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, cho biết bệnh nhân là V.V.P., 56 tuổi, quê ở quận Bình Thuỷ - TP. Cần Thơ nhập viện cấp cứu (ngày 12/5/2022) trong tình trạng khó thở, sưng, đau nhiều vùng góc hàm bên phải và vùng cổ.
Bác bác sĩ thăm khám nghi ngờ áp xe vùng cổ và chỉ định CT-Scan. Kết quả phát hiện áp xe vùng góc hàm bên phải lan xuống cổ, trung thất và khoang màng phổi trái.
Nhận định đây là 1 trường hợp nhiễm trùng - nhiễm độc nặng, suy hô hấp do mủ màng phổi trái lượng nhiều, tiên lượng rất nặng bệnh nhân có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Ngay khi nhập viện, người bệnh được bác sĩ Ngoại Lồng ngực phẫu thuật cấp cứu làm sạch ổ áp xe, dẫn lưu trung thất và màng phổi. Sau phẫu thuật bệnh nhân được điều trị và theo dõi hậu phẫu tại khoa gây mê hồi sức, tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn, các bác sĩ đã hội chẩn và chuyển khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU).
Cả các ê kíp phẫu thuật, gây mê và hồi sức tích cực kịp thời phối hợp xử lý với sự khẩn trương.
Theo các bác sĩ, đây không phải là lần đầu trong 2 năm qua Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tiếp nhận các ca tương tự. Tuy nhiên, trường hợp này cơ hội cứu sống thật quá mong manh bởi thời điểm chuyển đến ICU, tình trạng tiên lượng rất nặng, đang vận mạch liều cao, thở máy, kháng sinh mạnh.
Sau gần 2 tuần hồi sức người bệnh từ cửa tử trở về sau những phút tưởng chừng đã tắt hẳn hy vọng. Hơn nửa tháng điều trị, bệnh nhân hồi phục.
Theo các chuyên gia, áp xe trung thất là một thể nhiễm trùng nặng, mặc dù có những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh... nhưng đây là bệnh lý gây tỷ lệ tử vong còn rất cao.
Người bệnh có thể phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa nếu phát hiện sớm và chẩn đoán, điều trị đúng thì sẽ khỏi bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong sẽ nâng cao từ 19 - 47% nếu ổ áp xe nhiễm trùng lan rộng, gây vỡ hoặc gây tràn dịch màng phổi. Biến chứng này rất dễ làm chết người nếu không được cấp cứu nhanh chóng.
Nguyên nhân tử vong là do biến chứng sốc nhiễm khuẩn. Ổ mủ vỡ lan tỏa ở cổ, thành ngực xuống trung thất, khoang màng phổi, hay vỡ vào khoang màng ngoài tim... gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rất khó dẫn lưu và làm sạch hết dịch mủ.
Các bác sĩ cho biết, bệnh lý này có thể phòng tránh được nếu người bệnh đến khám sớm. Trong trường hợp đã có dấu hiệu biến chứng áp xe trung thất thì cần chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế y tế lớn để xử trí phẫu thuật. Chỉ có như vậy mới có thể giảm tỷ lệ tử vong.