Xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Raglai). Họ sống chủ yếu bằng nghề nông và dựa vào núi rừng.
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược đã tổ chức buổi khám bệnh và phát hiện rất nhiều trường hợp, đặc biệt là phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi còn rất trẻ. Các bác sĩ cho rằng có 2 nguyên nhân chính có thể dẫn đến bệnh tiểu dường mà người dân nơi đây gặp phải là di truyền và chế độ ăn, chế độ sinh hoạt.
Theo ThS.BS Trần Thái Ngọc Huy – Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện ĐHYD TP.HCM, có rất nhiều người phụ nữ trẻ bị tiểu đường, mình nghĩ là y tế địa phương có chiến dịch tầm soát tiểu đường cho toàn bộ người dân. Thứ 2 là tiểu đường không phải khi nào cũng sử dụng thuốc liền nên là mình có thể hướng dẫn chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống và hoạt động phù hợp để đề phòng các tai biến biến chứng của tiểu đường về sau.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược, tính đến thời điểm hiện tại, tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm xếp thứ 3, chỉ sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Tiểu đường biến chứng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thận hoặc đột quỵ.
Không riêng đồng bào dân tộc thiểu số mà hiện nay, tần suất mắc bệnh tiểu đường trong dân số ở nước ta đang gia tăng rất nhanh. Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ người mắc tiểu đường ở Việt Nam là 7,3%. Hơn 55% bệnh nhân tiểu đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.