Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc

Người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ và là người thứ ba trên thế giới được chữa khỏi HIV sau khi được cấy ghép tế bào gốc.

Theo ABC News, bệnh nhân nữ nói trên đã được cấy ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng có khả năng kháng lại virus gây bệnh AIDS một cách tự nhiên.

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Đây là một phụ nữ 64 tuổi, thuộc chủng tộc hỗn hợp (người lai), cũng là trường hợp đầu tiên được điều trị khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn, một phương pháp mới có thể giúp điều trị cho nhiều người hơn.

Theo đó, kể từ khi được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (bệnh ung thư các mô tạo máu từ các tế bào tạo máu trong tủy xương), người phụ nữ đã thuyên giảm bệnh và không còn virus HIV trong 14 tháng mà không cần đến các phương pháp điều trị HIV mạnh (điều trị kháng retrovirus).

Hai trường hợp chữa khỏi HIV trước đó là nam giới, một người da trắng và một người gốc Latin, đã nhận được tế bào gốc của người trưởng thành như một phần của quá trình cấy ghép tủy xương phổ biến hơn.

Theo Guardian, Tiến sĩ Koen van Besien, một trong những bác sĩ tham gia điều trị, cho biết: “Chúng tôi ước tính, có khoảng 50 bệnh nhân mỗi năm ở Mỹ có thể được hưởng lợi từ phương pháp này. Khả năng tìm được người hiến tặng phù hợp sẽ tăng lên đáng kể”.

Nhóm nghiên cứu đã tiết lộ một số chi tiết về bệnh nhân trên tại hội nghị ở Denver. Người phụ nữ được gọi là “bệnh nhân New York” vì cô điều trị tại Trung tâm Y tế Weill Cornell New York-Presbyterian.

Năm 2013, cô phát hiện nhiễm HIV. Bốn năm sau, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Cô đã nhận máu dây rốn từ một người hiến tặng phù hợp để điều trị ung thư. Một người thân cũng hiến máu cho cô để tăng cường hệ miễn dịch trong quá trình cấy ghép.

Sau khi nhận máu cuống rốn, bệnh nhân sẽ được cung cấp thêm tế bào gốc.

Mặc dù máu cuống rốn dễ thích nghi hơn tế bào gốc, nhưng không đủ để phục vụ cho việc điều trị hiệu quả bệnh ung thư ở người lớn. Bởi vậy, trong các ca cấy ghép dây rốn, bác sĩ sẽ bổ sung thêm các tế bào gốc.

Từ ca mổ vào tháng 8/2017, bệnh bạch cầu của người phụ nữ trên đã thuyên giảm. Ba năm sau, cô ngừng điều trị HIV. Mười bốn tháng kể từ đó, cô vẫn chưa phải đối phó với tình trạng virus bùng phát trở lại.

Theo các nhà khoa học, phần lớn những người hiến tặng là người da trắng. Trường hợp trên cho thấy tiềm năng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm cả HIV lẫn ung thư và những người thuộc các chủng tộc đa dạng hơn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tùng Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
PILI Fashion khai trương cửa hàng flagship đầu tiên, thổi "làn gió mới" vào thời trang pickleball