Vào dịp Tết Nguyên Đán, bên cạnh những món ăn với các loại thịt, nhiều dầu mỡ, các gia đình thường muối dưa, muối hành để ăn cho đỡ ngán. Không chỉ vậy, bản thân món dưa muối cũng có những tác dụng tốt nhất định với sức khỏe.
Những món ăn ngày Tết thường chứa nhiều đạm, chất béo nên dễ gây ngán, thậm chí có thể gây đầy bụng do khó tiêu. Trong khi đó, dưa muối lại có nhiều vi khuẩn có lợi như men lactic, giúp quá trình tiêu hóa bánh chưng, thịt mỡ,… diễn ra dễ dàng hơn, tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Hơn nữa, ăn dưa hành muối còn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, nếu ăn dưa muối không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn dưa muối:
Không ăn dưa muối chưa chín
Nitrat là một chất tồn tại trong rau, củ do được bón phân urê hoặc do hút từ đất có nitrat cao. Khi hàm lượng nitrat trong rau củ quả vượt quá ngưỡng an toàn, nó được xem như một độc chất gây ảnh hưởng đến sức con người.
Khi muối dưa, nitrat trong rau sẽ được vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit, lượng nitrit này sẽ giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Còn nếu dưa chưa đủ độ chua hoặc bị khú, lượng nitrit trong nó còn cao, một khi đi vào cơ thể sẽ phản ứng với amin bậc 2 trong một số loại thức ăn như tôm, cá, mắm tôm,… tạo thành hợp chất nitrosamine có thể gây ung thư dạ dày, gan, ruột,…
Không nên ăn quá nhiều dưa muối trong một lần
Ăn nhiều dưa muối trong một lần rất dễ gây kích thích tăng tiết axit dạ dày, làm phát triển hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, và dễ làm khởi phát viêm loét dạ dày có sẵn. Vì vậy, bạn không nên ăn dưa muối quá nhiều và thường xuyên, chỉ nên ăn dặm cùng nhiều món ăn khác trong một bữa ăn, nhất là các bữa ăn ngày Tết.
3. Những người không nên ăn dưa muối
- Người bị tăng huyết áp: Đồ muối chua thường chứa lượng muối cao, vì vậy người bị tăng huyết áp nên hạn chế ăn đồ muối chua để giúp kiểm soát huyết áp.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai nên kiêng ăn dưa muối chua vì món ăn này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động của tử cung, không tốt cho em bé trong bụng.
- Người viêm loét dạ dày: Những người có hệ tiêu hóa không tốt, mắc các bệnh như xơ gan cổ trướng, viêm loét dạ dày... không nên ăn nhiều dưa, cà muối.
- Người ốm: Người ốm hoặc vừa ốm dậy nên hạn chế ăn dưa muối, vì ăn món ăn này rất ít giá trị dinh dưỡng, không tốt cho việc phục hồi sức khỏe. Hơn nữa, ăn dưa muối vào lúc này còn có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi, khó chịu, khiến bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thì tốt nhất bạn nên tự muối dưa để điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo được thực phẩm sạch. Trước khi ăn dưa, bạn nên rửa nhiều lần và vắt sạch nước để giảm độ mặn, độ chua của dưa muối. Nếu ăn thừa, bạn không nên cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong lọ, mà nên riêng và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Nói chung, dưa muối về cơ bản vẫn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là khi ăn điều độ và thực hiện các công đoạn giảm mặn và chua trước khi ăn. Ngày Tết, nếu không có món dưa muối thì cảm thấy thật thiếu vắng.