Mùa hè với cái nắng gay gắt, đặc biệt là độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu.
Ở các tỉnh phía Nam, sau những ngày nắng nóng cực độ thường mưa kéo dài vài ngày, là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển mạnh. Trẻ em, nhất là nhóm dưới 12 tuổi dễ mắc bệnh nhất vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa biết tự bảo vệ, chăm sóc bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh.
Dưới đây là các loại bệnh mà trẻ dễ mắc phải trong mùa nắng nóng này:
Sốt siêu vi
Trẻ bị sốt siêu vi thường có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, có thể thêm hắt hơi, sổ mũi, ho có đàm trắng dính, vàng hoặc xanh... Nếu tác nhân là virus rubella sởi, trẻ có thể phát ban nốt đỏ mịn, xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh. Ban thường tuần tự từ đầu, mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo trình tự như vậy. Ngoài ra trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và lâu mới mất đi.
Bệnh sốt siêu vi thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày. Điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng. Do đó cần theo dõi trẻ sát sao để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật... để đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Bệnh tiêu chảy cấp
Vào mùa hè, nhiệt độ và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn bị hư hỏng nhanh. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng làm cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở, làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống gây tiêu chảy ở trẻ em.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi và thường lây truyền qua đường phân-miệng như phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng uống dung dịch Oresol, truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống.
Bác sĩ Duy lưu ý, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục, co giật, nôn nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, phân có máu hoặc khi cha mẹ thấy trẻ nặng hơn vì tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác nặng hơn ở ngoài đường tiêu hóa.
Viêm não Nhật Bản B
Bệnh viêm não Nhật Bản B do virut Arbo gây ra. Virut gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Mùa hè nóng nực là cơ hội cho bệnh viêm não Nhật Bản B xuất hiện và khả năng bùng phát cao. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỉ lệ trên 90% số ca mắc). Bệnh có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Khi trẻ có những biểu hiện bệnh, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.
Bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh do virus Enterovirus (EV71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.
Trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Miệng trẻ có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Tiếp theo có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng nhanh vào mùa hè nắng nóng. Sốt xuất huyết dengue là một bệnh do virut lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2-7 ngày, kèm theo biểu hiện sau: đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Một số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Sau đó bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Gan có thể to sau vài ngày.
Một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên phải được cấp cứu ngay, đề phòng diễn biến xấu nguy hiểm tính mạng.
Ngộ độc thức ăn
Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường.
Các bệnh khác: với thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu; hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.
Cha mẹ cần làm gì?
Theo Bác sĩ chuyên khoa 1, Trương Thị Ngọc Phú, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), sức khỏe của trẻ luôn chịu ảnh hướng lớn từ thời tiết. Tỉ lệ lượng nước trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ khác với người lớn nên thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus tấn công. Do đó, cha mẹ cần bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây.
Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý tiêm vắc-xin đầy đủ cho trẻ. Bởi đây chính biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Mỗi gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Trong thời tiết oi bức, bố mẹ nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu trẻ có thể bị say nắng, cơ thể bị mất nước và muối khoáng qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.