Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Lần đầu tiên tiêm thử nghiệm virus diệt ung thư trên người

Các nhà khoa học xác định loại virus này được chứng minh có hiệu quả trong tiêu diệt tế bào ung thư ruột, phổi, vú, buồng trứng, tuyến tụy trên động vật.

Theo Iflscience, virus được thiết kế đặc biệt để tái tạo bên trong tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt chúng mà không gây hại cho các tế bào bình thường xung quanh. Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng virus ổn định, là công cụ thích hợp hỗ trợ việc chuyển hóa liệu pháp này sang môi trường lâm sàng.

Lần đầu tiên tiêm thử nghiệm virus diệt ung thư trên người Ảnh 1
Các nhà khoa học đã chế tạo ra loại virus tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho tế bào lành tính. (Ảnh: Shutterstock).

Theo đó, các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật cho thấy liệu pháp có hiệu quả trong việc thu nhỏ khối u vú, ruột kết, tuyến tụy và các khối u đặc ở buồng trứng.

"Các nghiên cứu trước đây của chúng tôi chứng minh rằng virus có thể kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng và tiêu diệt khối u ung thư, đồng thời giúp hệ miễn dịch phản ứng nhanh hơn với các liệu pháp khác, bao gồm chất ức chế kiểm soát", nguồn tin trên dẫn lời tiến sĩ Daneng Li, điều tra viên chính, giáo sư trợ lý của nghiên cứu, nhận định.

Ông cho rằng giới khoa học cần thúc đẩy các công trình về liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Tiến sĩ Li tin rằng CF33-hNIS có tiềm năng cải thiện kết quả cho bệnh nhân trong cuộc chiến với ung thư.

Theo Eurek Alert, thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ tiêm liều thấp CF33-hNIS cho bệnh nhân ung thư có khối u rắn di căn hoặc tiến triển, những người đã có ít nhất hai lần điều trị tiêu chuẩn trước đó. Họ sẽ được điều trị dưới dạng tiêm trực tiếp vào khối u hoặc tiêm vào tĩnh mạch.

Một số người tham gia nghiên cứu sẽ nhận được virus oncolytic thử nghiệm kết hợp với liệu pháp miễn dịch pembrolizumab. Đây là kháng thể được thiết kế để cải thiện hệ thống miễn dịch trong chống lại tế bào ung thư. Nghiên cứu gồm 100 bệnh nhân ở 10 địa điểm tại Mỹ, Australia.

Những loại virus như vậy đã được kỳ vọng là “khẩu súng mới” trong cuộc chiến chống ung thư hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, thành công của những loại virus này rất hạn chế.

Lần này, các nhà khoa học đã chế tạo ra loại virus tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho tế bào lành tính, giúp tế bào miễn dịch dễ nhận ra “kẻ thù”. Các nhà nghiên cứu hy vọng điều này sẽ giúp phản ứng của cơ thể mạnh mẽ hơn, cho phép hệ miễn dịch chống trả tốt hơn.

Tuy nhiên, thử nghiệm trên động vật thành công không phải lúc nào cũng sẽ có kết quả tương tự ở người. Thử nghiệm lâm sàng dự kiến kéo dài hai năm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tùng Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV