Dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến ổn định hơn so với thời điểm trước, tại Hà Nội và TP HCM, các ca mắc đang có dấu hiệu giảm. Hai thành phố cũng đang có những phương án về nới lỏng các hoạt động giãn cách ở hiện tại và thời gian tới nếu dịch bệnh tiếp tục ổn định.
Vậy người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn trong trạng thái “bình thường mới”? Trước vấn đề trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đã có những tư vấn, chia sẻ cụ thể.
Khi một số nơi công cộng được mở cửa trở lại thì cần cảnh giác với những nguy cơ nào?
Bác sĩ Khanh: Khi nơi công cộng được mở cửa trở lại thì cũng cần cảnh giác giống với việc khi ta siết chặt toàn bộ hoặc một phần. Khi mở cửa trở lại, các thành phố lớn chắc chắc phải tính toán đến việc tiêm chủng, tỉ lệ tiêm chủng phòng chống dịch. Điều này là cần quan tâm, quan trọng nhất chứ không còn là tỉ lệ mắc bệnh nữa.
Ở nơi công cộng đó cũng cần phải thực hiện các tiêu chí phòng bệnh theo khuyến cáo cho tới khi tất cả được tiêm phòng 2 mũi.
Tất cả những nơi ta đi đến, làm việc, mua sắm thì cũng phải thực hiện các tiêu chí đó chứ không chỉ là thực hiện ở nơi công cộng.
Nơi nào là nơi nguy cơ cao sau khi nới lỏng hoạt động trở lại?
Bác sĩ Khanh: Nơi nguy cơ cao là nơi ta đi tới mà ta không biết được nhóm người ở nơi ta đi tới, tiếp xúc họ đã tiêm chủng chưa, họ đã từng hết bệnh hay chưa.
Ta tiếp xúc với những người mà không biết họ là ai, nếu gia đình mình đã tiêm chủng đầy đủ và những người mà ta tiếp xúc cũng đã tiêm chủng đầy đủ thì không cần lo lắng.
Nhưng bất cứ lúc nào ta có tiếp xúc với người nào đó có yếu tố nguy cơ mà chưa tiêm phòng 2 mũi thì phải luôn cảnh giác tất cả những nơi ta đến đều phải cẩn thận.
Khi ai đó đến một cửa hàng hay công ty nào đó thì nơi đó phải tiến hành kiểm tra dịch tễ, tiến hành các biện pháp chống dịch.
Ngoài đường thì rất khó lây cho nhau, những trường hợp đi ngoài đường vừa kẹt xe vừa giao tiếp trò chuyện thì mới có khả năng lây nhiễm cho nhau.
Người đã khỏi bệnh và người đã tiêm 2 mũi vaccine cần lưu ý gì khi đi sinh hoạt ngoài cộng đồng?
Bác sĩ Khanh: Người đã hết bệnh hoặc người đã tiêm 2 mũi vaccine thì hoàn toàn yên tâm khi ta không có giao tiếp với người nào mà không đủ các tiêu chuẩn đó.
Việc ta giao tiếp với những người không có các tiêu chuẩn trên phần lớn sẽ ảnh hưởng đến họ vì trường hợp ta bị bệnh sẽ bị triệu chứng rất nhẹ.
Quan trọng là người ta giao tiếp đã được tiêm chủng hay chưa, nếu họ đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh thì không cần quá lo lắng.
Việc sống chung với dịch trong tương lai cần chuẩn bị tâm lý và thể chất thế nào?
Bác sĩ Khanh: Khi ta bắt đầu nới lỏng hoạt động trở lại thì cần hiểu rằng đây là một con virus gây bệnh có các triệu chứng như cảm cúm và cũng có thể gây bệnh nặng hơn.
Muốn ngăn được bệnh nặng hơn thì chính sức đề kháng của mình cũng phải mạnh hơn. Đặc biệt mình phải được tiêm chủng vaccine 2 mũi, chỉ có như vậy ta mới có thể sống ổn với con virus trong giai đoạn mới.