Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, số lượng người mắc Covid-19 vẫn rất lớn. Người dân cũng đang tích cực tìm hiểu những phương pháp hỗ trợ, chăm sóc F0 đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế và bác sĩ.
Trước vấn đề tập thở của người dân, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đã có những chia sẻ hữu ích đến người dân và F0.
Khi nào F0 cần tập thở?
Tập thở cần áp dụng khi F0 cảm thấy khó thở hoặc nồng độ oxy (SpO2) dưới 94%. Bác sĩ Khanh cho biết, tập thở sẽ giúp bệnh nhân Covid-19 giảm bớt lo lắng, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực không đáng có.
“Bình thường chúng ta cảm cúm sẽ cảm thấy vượt qua nhẹ nhàng, giờ bệnh này các triệu chứng cũng chỉ như cảm cúm thông thường nhưng do một số người cứ luôn suy nghĩ, lo lắng và tự làm mình sợ hãi nên sẽ càng cảm thấy mệt mỏi.
Mọi người nên tập thở bằng cơ hoành, cơ bụng để cảm thấy dễ chịu hơn. Nên tập thở khi cảm thấy thật sự khó thở hoặc nồng độ oxy trong máu dưới 94%, mệt mỏi”, bác sĩ Khanh tư vấn.
Khi bắt đầu tập thở, nên nằm sấp khoảng 30 phút đến 2 giờ để cải thiện nhịp thở và tăng độ bão hoà oxy.
Sau đó, mọi người có thể nằm nghiêng sang bên phải, thay đổi tư thế ngồi dậy với độ nghiêng khoảng 30 – 60 độ. Sau đó có thể chuyển sang nằm nghiêng bên trái, chuyển nằm sấp và co chân, sau cùng là trở lại vị trí nằm sấp.
Tất cả các tư thế tập thở trên đều áp dụng trong thời gian từ 30 phút – 2 giờ để phát huy tác dụng.
Trong trường hợp đã áp dụng tập thở nhưng không thấy cải thiện và cảm thấy mỗi lúc một nặng hơn hoặc sau mỗi lần thay đổi vị trí, mức Oxy vẫn giảm xuống dưới 92% thì cần liên hệ ngay với cơ quan y tế, bác sĩ để được hỗ trợ ngay lập tức.
Ăn sạch, uống sạch, vận động sinh hoạt điều độ
Bên cạnh việc tập thở, F0 cũng cần có chế độ ăn uống, vận động hợp lý. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, sinh hoạt điều độ là vô cùng cần thiết, đặc biệt là với F0 điều trị bệnh tại nhà. F0 ở trong phòng nên thường xuyên mở cửa thoáng, vận động, tập thể dục tại nhà.
Nếu F0 ở một mình trong phòng thì không cần đeo khẩu trang, theo dõi nhiệt độ thường xuyên, uống nhiều nước, vận động tại nhà thường xuyên.
Bảo đảm nhà vệ sinh sạch sẽ, ăn sạch, uống sạch, ngủ đủ giấc, giờ giấc sinh hoạt điều độ để nâng cao đề kháng. Ở nơi có nhiệt độ lạnh thì phải giữ ấm.
“Phải ăn đủ dinh dưỡng, trong trường hợp bị mất khứu giác, vị giác dù ăn không ngon miệng vẫn phải cố ăn để nâng cao sức khoẻ, đề kháng. Trước đây ốm, cảm cúm vẫn khó ăn nhưng vẫn ăn được, giờ mắc Covid-19 do nhiều người suy nghĩ quá nhiều nên mới cảm thấy càng khó ăn hơn”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.