Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Hàng loạt vụ việc thương tâm do trầm cảm sau sinh, thấy những dấu hiệu này cần gặp bác sĩ ngay

Người thân cần quan tâm, chia sẻ, động viên tới các bà mẹ sau sinh. Đặc biệt, khi xuất hiện một trong những biểu hiện trên thì cần đưa đến các bệnh viện tránh hậu quả đáng tiếc.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc mẹ sát hại con nhỏ gây chấn động dư luận, điển hình như vụ việc ở Hà Tĩnh hồi tháng 2/2022 khi người mẹ dùng dao sát hại con rất thương tâm.

Hàng loạt vụ việc thương tâm do trầm cảm sau sinh, thấy những dấu hiệu này cần gặp bác sĩ ngay Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Vụ việc xảy ra ở TP HCM người mẹ tự sát, sau đó lực lượng chức năng phát hiện con nhỏ ở trong máy giặt... sau khi điều tra, nguyên nhân được xác định là do trầm cảm sau sinh.

Mới đây, ngày 30/3, một người mẹ 44 tuổi, ở Chí Linh, Hải Dương nghi sát hại con trai tại khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19, nguyên nhân ban đầu nghi do trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Trước những vụ việc thương tâm trên, Ths.BS Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương), cho biết bệnh trầm cảm sẽ được gọi là trầm cảm sau nếu như bệnh khởi phát trong vòng 30 ngày sau khi người phụ nữ sinh con.

Hàng loạt vụ việc thương tâm do trầm cảm sau sinh, thấy những dấu hiệu này cần gặp bác sĩ ngay Ảnh 2
Ảnh minh hoạ.

Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ được giải thích là do biến đổi đột ngột về hormon và môi trường sống sau khi sinh con, với khởi phát đột ngột và thường rất nặng.

Theo Bác sĩ Phương Thảo, ý định và hành vi tự sát cùng hành vi giết con thường gặp ở trầm cảm sau sinh và rất nguy hiểm. Đa số người mẹ cho rằng, giết đứa trẻ và tự sát là để giải thoát, cho cuộc sống đỡ khổ. Đáng nói, trầm cảm sau sinh thường dễ tái phát vài những lần sinh đẻ sau.

Những dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Theo Bác sĩ Bùi Phương Thảo, các dấu hiệu gồm:

Đầu tiên đó là khí sắc trầm: Khí sắc ở đây có nghĩa là vẻ mặt, khí sắc trầm là vẻ mặt buồn bã, đơn điệu, ít thể biểu cảm, cảm xúc trên khuôn mặt và thể hiện ngày này qua ngày khác.

Mất mọi quan tâm thích thú, sở thích trong các hoạt động: Ví dụ điển hình nhất là một người phụ nữ trước khi sinh rất thích đi shoping, gặp gỡ bạn bè, hát hò, tám chuyện… Thế nhưng, sau khi sinh người phụ nữ không còn sở thích đó nữa, sống thu mình, khí sắc trầm như đã nói trên thì cần nghĩ đến trầm cảm sau sinh.

Hàng loạt vụ việc thương tâm do trầm cảm sau sinh, thấy những dấu hiệu này cần gặp bác sĩ ngay Ảnh 3
Ảnh minh hoạ.

Mệt mỏi thường xuyên: Người phụ nữ có thể do thiếu ngủ, do phải chăm sóc em bé từ đó cơ thể không được khỏe, thường xuyên mệt mỏi, ể oải trong sinh hoạt, cuộc sống.

Giảm sự tập trung chú ý: Người phụ nữ sau sinh cảm thấy khó tập trung khi làm một việc gì đó, suy giảm trí nhớ gần, khó có thể tiếp thu cái mới và không tập trung kể cả việc chăm sóc em bé.

Giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc đưa ra quyết định: Sau sinh người phụ nữ xuất hiện sự tự ti có thể là về ngoại hình, cân nặng của bản thân, cân nặng của em bé... Đặc biệt luôn tự ti, dằn vặt, sống thu mình khi cho rằng sinh con ra là gánh nặng cho chồng và gia đình. 

Tự buộc tội bản thân: Người phụ cho rằng luôn có tội lỗi, mình không đáng sống, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Bi quan: Nhìn mọi thứ như tương lai ảm đạm, kể cả tương lai cho đứa con, vô định không biết ngay mai sẽ ra sao.

Có ý tưởng và hành vi tự sát: Người phụ nữ có thể sẽ lên kế hoạch cho hành vi tự sát như dùng thuốc trừ sâu, cắt cổ hoặc nhảy sông…Xuất hiện suy nghĩ muốn chết quách cho xong, lâu dẫn thành ý tưởng và hành vi.

Hàng loạt vụ việc thương tâm do trầm cảm sau sinh, thấy những dấu hiệu này cần gặp bác sĩ ngay Ảnh 4
Ảnh minh hoạ.

Ý tưởng và hành vi giết con: Sau sinh người phụ nữ cho rằng đứa trẻ sinh là gánh nặng cho gia đình, là nguyên nhân khiến mình khổ nên có ý tưởng và hành vi sát hại con để đỡ khổ, mình chết sẽ mang theo con đi, bởi nếu con ở lại sẽ thành gánh nặng, sẽ chịu đau khổ khi không có mẹ ở bên.

Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc.

Giảm cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân: Người phụ nữ sau sinh thể bị giảm cân hoặc vẫn cân nặng như vậy nhưng ăn không còn ngon miệng.

Buồn bã và hay khóc: Đó là xuất hiện tình trạng buồn bã, nhạy cảm, dễ khóc đôi khi không cần lý do.

Lo âu và có thể có cơn hoảng sợ: Khi lo lắng về tương lại, về đứa trẻ thậm chí lo quá xa với mục đích không rõ ràng từ đó người mẹ sẽ rất hoảng sợ. Cơn hoảng sợ có thể chỉ xuất hiện 15 phút, nhưng sau đó rất mệt mỏi như kiểu muốn chết quách đi cho xong, chết để giải thoát.

Theo Bác sĩ Phương Thảo, để giải quyết vấn đề này thì vai trò gia đình rất quan trọng. Người thân cần quan tâm, chia sẻ, động viên tới các bà mẹ sau sinh.

Khi xuất hiện một trong những biểu hiện trên thì cần đưa đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để điều trị kịp thời tránh các trường hợp đáng tiếc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tùng Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất