Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Cứu sống bé gái 5 tuổi ngừng tuần hoàn sau khi ăn lạc

Sau khi ăn lạc, bé gái sau xuất hiện tím tái, khó thở, gia đình đã sơ cứu nhưng không hiệu quả nên đưa em tới viện.

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận cấp cứu một bé gái 5 tuổi (trú tại Tuyên Quang) bị ngừng tuần hoàn ngoại viện nghi hóc dị vật đường thở do ăn lạc.

Theo người nhà, bé gái sau khi ăn lạc có xuất hiện tím tái khó thở, gia đình sơ cứu nhưng không hiệu quả nên chuyển ngay bé tới phòng khám vệ tinh Hùng Vương.

Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận bé trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn. Thời gian từ lúc bé bắt đầu có dấu hiệu khó thở tới khi tiếp cận các y, bác sĩ khoảng chừng 15 - 20 phút.

Ngay lập tức, trạng thái cấp cứu tối khẩn cấp được kích hoạt, ê-kíp gồm hàng chục nhân viên y tế tập trung hỗ trợ ép tim, đặt ống nội khí quản, vận mạch....

Sau 3 phút chạy đua với thời gian, bé gái đã bắt được dấu hiệu mạch và huyết áp trở lại.

Cứu sống bé gái 5 tuổi ngừng tuần hoàn sau khi ăn lạc Ảnh 1
Các bác sĩ kích hoạt trạng thái cấp cứu tối khẩn cấp để cứu bé gái hóc dị vật đường thở.

Ngay khi các chỉ số sinh tồn của bé gái ổn định cùng lời đề nghị nguyện vọng của gia đình, ê-kíp gồm 1 bác sĩ cấp cứu và 1 điều dưỡng đã có mặt đưa bé gái lên xe cứu thương chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm, theo VTV.

Song song với việc cấp cứu đảm bảo quá trình di chuyển, các bác sĩ đã chủ động liên hệ báo cáo trước tình hình của bé gái và đề nghị chuẩn bị hỗ trợ đón tiếp cấp cứu tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, hóc dị vật là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ thường bị hóc các loạt hạt như lạc, ngô, na,… hay nuốt hòn bi, pin,… Cần nghĩ tới dị vật đường thở khi bé đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết, nhưng có những trường hợp trẻ ngưng thở và tử vong ngay sau đó.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý. Phụ huynh có thể gặp một số sai lầm khi sơ cứu, như cho tay hoặc các vật khác vào miệng con để móc dị vật ra; vuốt xuôi ngực hay dốc ngược bé; sử dụng một số mẹo dân gian: cho trẻ ăn cơm, hoa quả, uống nước…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Song Long

Được quan tâm

Tin mới nhất