Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sống khỏe

Cần làm gì để phòng chống bệnh gút tái phát trong dịp lễ và bệnh tấn công sau Tết?

Trong những ngày lễ Tết, nhiều người đã mắc, tái phát bệnh gút gây ra những cơn đau dữ dội. Đặc biệt sau dịp nghỉ lễ, số người bị mắc bệnh gút và tái phát bệnh càng nhiều hơn.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tết với thời gian nghỉ ngơi khá dài, luôn là dịp tốt để mọi người được xum vầy vui vẻ, thư giãn bên gia đình, bà con họ hàng, bạn bè. Thời gian này, mọi người thưởng thức những món ăn ngon và các đặc sản cổ truyền ngày Tết.

Cần làm gì để phòng chống bệnh gút tái phát trong dịp lễ và bệnh tấn công sau Tết? Ảnh 1
Một bệnh nhân bị bệnh gút mạn tính phải điều trị nội trú. (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

Tuy nhiên, với những người mắc bệnh gút hoặc hoặc lâu nay có sẵn tăng axit uric trong máu thì có thể có nguy cơ “mất vui” giữa chừng vì các cơn viêm khớp do bệnh gút mới xuất hiện hoặc bị tái diễn một cách dữ dội ngay trong hoặc sau những ngày nghỉ Tết nếu như không có các biện pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp.

Để phòng ngừa gút tái phát trong hoặc sau dịp lễ Tết, người bị bệnh Gút hoặc có nguy cơ bị bệnh Gút nên làm gì?

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, điều quan trọng trước tiên là cần tiếp tục duy trì các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê toa, không vì vui Tết mà bỏ thuốc luôn hoặc uống thuốc thất thường.

Việc ngưng thuốc đột ngột, dù vào bất cứ thời điểm nào đều có nguy cơ làm cho bệnh bùng phát. Tốt nhất, trước dịp Tết người bệnh nên đi tái khám bác sĩ và nếu cần sẽ được cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric máu,chức năng gan thận để thầy thuốc đánh giá và điều chỉnh thuốc nếu cần.

Người bị bệnh gút và kể cả những người có tăng axit uric máu đơn thuần cần phải chú ý tới việc ăn uống của mình, đặc biệt vào những dịp đặc biệt như lễ Tết.

Những bữa cỗ Tết thịnh soạn, chứa quá nhiều chất đạm, cộng với việc uống rượu bia triền miên trong những ngày Tết sẽ làm gia tăng đột ngột nồng độ axit uric trong máu và là điều kiện tốt để gút xuất hiện, thậm chí ngay cả khi đang dùng các thuốc điều trị bệnh.

Vì vậy, cũng giống như ngày thường, trong những ngày Tết, hãy cố gắng hạn chế, tránh ăn nhiều các thực phẩm quá giàu chất đạm như các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, dê, thịt thú rừng, …), các loài hải sản nhuyễn thể (tôm, cua, sò, một số loại cá như cá trích, cá đối, cá mòi …), nấm, đậu, rau mầm.

Đặc biệt, nên tránh tuyệt đối việc ăn các thực phẩm là phủ tạng động vật như lòng heo, tiết canh, hột gà lộn, hột vịt lộn; hạn chế tối đa việc uống rượu bia và các loại đồ uống ngọt như nước siro, nước ngọt có gas. 

Tuy nhiên, trong ngày Tết, việc nhâm nhi một chút rượu vang cũng có thể chấp nhận được nhưng không được uống nhiều.

Người bị bệnh gút cũng cần nhớ phải duy trì việc uống đầy đủ nước hàng ngày; tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây tươi, đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin C và có thể uống sữa, ăn sữa chua bình thường.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì kiểm soát bữa ăn của mình một cách hợp lý để không bị tăng cân sau mấy ngày Tết nếu bạn đang bị thừa cân.

Làm gì nếu chẳng may bị gút tấn công trong hoặc sau những ngày nghỉ Tết?

Nếu khớp sưng đau nhiều, tốt nhất người bệnh nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt hoặc nếu có thểliên hệ với bác sĩ lâu nay vẫn khám và điều trị cho mình để có tư vấn và biện pháp điều trị phù hợp kịp thời.

Cần nhớ là với các đợt viêm khớp cấp do bệnh gút thì càng điều trị sớm, hiệu quả điều trị càng cao và thời gian hết sưng đau khớp càng rút ngắn.

Trong thời gian chờ đợi đi khám bệnh, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau để tạm thời giúp giảm cơn đau khớp:

- Tiếp tục dùng các thuốc điều trị gút đã được bác sĩ chuyên khoa kê trước đó nếu lâu nay vẫn đang dùng. Trong trường hợp chưa có thuốc gì mà khớp đau nhiều và chưa thể đi bệnh viện, có thể mua dùng tạm một loại thuốc kháng viêm không chứa steroid loại bán không cần kê toa với liều khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc.

Tất nhiên nếu không có vấn đề gì đặc biệt về dạ dày, bệnh thận, hay bệnh tim mạch. Tốt nhất, việc dùng bất kỳ thuốc gì cũng nên theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Để cho khớp viêm được nghỉ ngơi bằng cách nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa cử động khớp, tránh đi lại tỳ đè lên khớp đau. Tháo bỏ giầy dép, mặc quần áo rộng để tránh quần áo cọ xát vào khớp đau.

- Khi nằm, nên kê cao khớp viêm cao hơn một chút so với mặt giường, ví dụ như kê chân đau lên trên một cái gối.

- Chườm lạnh: Dùng đá lạnh đã được bọc trong khăn vải chườm nhẹ hoặc đắp lên quanh khớp bị sưng đau khoảng 20-30 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày khi khớp vẫn còn đang sưng đau tấy đỏ nhiều.

- Uống nhiều nước, kiêng tuyệt đối rượu bia và tuân thủ chế độ ăn uống như đã nói ở trên.

- Khi cơn viêm khớp ổn, tiếp tục duy trì việc điều trị bệnh gút theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tùng Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới