Vào rạng sáng ngày 22/11, Cát Phượng bất ngờ đăng thông báo vừa nhập viện vì bị rối loạn tiền đình “vật” nặng. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Cát Phượng nhập viện vì căn bệnh này, thậm chí có một vị bác sĩ còn nói: "Sao còn sống đến giờ hay vậy?".
Nữ diễn viên sinh năm 1970 chia sẻ, chị bị rối loạn tiền đình cấp nặng chứ không nhẹ, đi đứng đều không được vì có cảm giác như cả thế giới đang đè lên đầu mình. Chị nhiều hôm bị mất ngủ, ói đến đắng miệng, tay chân rụng rời không cầm nắm được gì.
“Não của Cát như đông cứng. Tuần hoàn máu ở não không thông. Khi máu không bơm được lên não dẫn đến các dây thần kinh của não bị căng, không ngủ được. Đầu quay cuồng đồng thời hạ canxi. Cho nên rất dễ đột quỵ" , Cát Phượng từng chia sẻ về bệnh tình của mình.
Rối loạn tiền đình là bệnh gì? Nguy hiểm đến mức nào?
Tiền đình thuộc hệ thần kinh, nằm ở phía sau ốc tai hai bên, cấu tạo gồm các ống dẫn có dịch. Cơ quan này có chức năng khi cơ thể cử động đầu cổ thì cơ quan đó đưa ra phản ứng để cơ thể nhận biết đầu ở đâu, giữ thăng bằng cho cơ thể.
Một khi hệ thống đó rối loạn, cơ thể không thay đổi nhưng người bệnh sẽ có cảm giác cơ thể thay đổi, dẫn đến chóng mặt, thấy mọi vật đảo nghiêng. Cơn chóng mặt do rối loạn có thể kèm theo nôn ói, ù tai, hoa mắt và sẽ nặng lên khi người bệnh thay đổi tư thế, đây gọi là hội chứng rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình là hội chứng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là người trưởng thành, nữ nhiều hơn nam. Tuy nhiên, ngày nay do ảnh hưởng của yếu tố môi trường và lối sống, nhóm người mắc phải hội chứng này ngày càng trẻ hóa. Rối loạn tiền đình được chia ra làm 2 loại gồm:
- Rối loạn tiền đình ngoại biên: Là tình trạng được gây ra do tổn thương tai trong, dây thần kinh tiền đình hoặc có bệnh lý tắc mạch máu vùng sau cổ. Người bệnh thường bị chóng mặt khi thay đổi tư thế nhưng vẫn khá tỉnh táo khi di chuyển.
- Rối loạn tiền đình trung ương: Nguyên nhân gây bệnh là do nhân tiền đình, đường dây liên hệ của nhân dây tiền đình tiểu não và thân não bị thương. Người bệnh thường cảm thấy sa sầm mặt mày, khó đi lại hoặc choáng váng khi tư thế thay đổi.
Về cơ bản, rối loạn tiền đình không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn… có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khiến người bệnh không thể tập trung làm việc được.
Căn bệnh này cũng không gây ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm gián tiếp như người bệnh có thể bị té ngã, tai nạn xe cộ,… khi bị rối loạn tiền đình.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là gì?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây rối loạn tiền đình vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiễm vi khuẩn hoặc virus ở tai, rối loạn tuần hoàn máu tác động đến não hoặc tai, chấn thương ở đầu chính là tác nhân gây ra hội chứng này.
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng được xem là làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tiền đình:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi. Ước tính, cứ 100 người trên 40 tuổi trở lên thì có khoảng 35 người mắc rối loạn tiền đình.
- Tiền sử bị chóng mặt: Đối tượng này có nhiều khả năng sẽ tái diễn tình trạng này trong tương lai, làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.
- Uống nhiều rượu bia, thức khuya nhiều hoặc triệu chứng của say cà phê có thể kích hoạt rối loạn tiền đình.
- Một số người uống kháng sinh, kháng lao cũng có thể làm tổn thương tiền đình, ốc tai khiến người bệnh xoay tròn, chóng mặt.
Việc điều trị rối loạn tiền đình có hiệu quả tốt khi xác định chính xác nguyên nhân. Thời gian điều trị bệnh có thể chỉ trong 1-2 ngày hoặc kéo dài tới vài tháng, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phân loại mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với các biện pháp điều trị của người bệnh.