Thông tin từ Bệnh Viện Chuyên Khoa Sản Nhi Sóc Trăng, cho biết cuối tháng tháng 8 vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc Nhi (HSTC&CĐN), Bệnh Viện Chuyên Khoa Sản Nhi Sóc Trăng - đã tiếp nhận 1 trường hợp bé trai tên N.T.Q. (sinh năm 2010, cư ngụ tại Thị trấn Kế Sách) bị bỏng do cồn.
Theo đó, bệnh nhi vào viện với các vết bỏng vùng mặt, cổ, 2 tay, ngực bụng, mông, 2 bên đùi, các nốt phỏng chứa dịch trong, ước tính diện tích bỏng 60% cơ thể.
Bé được chẩn đoán bỏng nặng độ 2, sốc giảm thể tích, nhiễm trùng nơi vết bỏng, xuất huyết tiêu hóa trên do stress; tiên lượng nặng.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu và xử trí cho bé. Đặt bé nằm đầu bằng, thở oxy ẩm qua cannul mũi. Hồi sức dịch chống sốc, truyền Albumin.
Kháng sinh phổ rộng điều trị nhiễm trùng, rửa và thay băng vết phỏng, đặt catheter động mạch đo huyết áp động mạch xâm lấn.
Sau gần 2 tuần nằm viện tại HSTC&CĐN, bé tỉnh, ăn uống được, môi hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều, phổi không ran, bụng mềm, các vết bỏng khô dần, giảm rỉ dịch, xen kẽ các khoảng da lành.
Đến ngày 31/8/2022 thì bé được chuyển về Khoa Ngoại nhi để tiếp tục theo dõi và điều trị, dự kiến thời gian xuất viện tầm 1-2 tháng.
Các bác sĩ khuyến cáo, nên để các vật dụng nóng, sôi, các chất dễ cháy, các chất sinh lửa, đồ điện ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
Khi trẻ bị bỏng, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng; phải ngâm ngay bộ phận cơ thể bị bỏng vào nước sạch (nếu bỏng hóa chất, vôi… thì ngay lập tức cởi bỏ quần áo, đồ trang sức dính những chất này, dùng bàn chải hay chổi lông mềm lau hết các chất đó sau đó xả nước lạnh ngâm, rửa sạch), sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Không bôi kem đánh răng, hay kem trị bỏng, mỡ trăn, nước mắm, không chườm đá... lên vết bỏng, hành động đó có thể làm vết thương trở nên tệ hơn, có khả năng viêm nhiễm nhiều hơn.