Ngày 28/12, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa thực hiện ghép gan thành công cho bệnh nhi 2 tuổi là bé N.N.T. (ngụ tại Đồng Nai). Bé T. nhập viện trong tình trạng da vàng sạm, bụng báng to và bắt đầu nôn ra máu. Ghép gan là phương án cuối cùng. Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bị teo đường mật bẩm sinh khi gần 2 tháng tuổi, được phẫu thuật nối ruột và đường mật (phẫu thuật KASAI) tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khoảng 80% bệnh nhi teo đường mật bẩm sinh không qua khỏi sau 2 tuổi, nếu không được ghép gan.
Chị M.T.H. mẹ ruột bé cho biết, từ khi sinh ra bé đã mang căn bệnh hiểm nghèo. Suốt 2 năm qua, chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, gia đình chị đã rất xót xa. Trước tình trạng nguy cấp, cả gia đình đều sẵn sàng hiến gan cứu sống bé T. Tuy nhiên, chỉ có anh N.V.N. (30 tuổi, bố ruột) có các chỉ số y học phù hợp. Ngày 15/11, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bé T.
TS BS. Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Để kịp thời cứu sống bệnh nhi, chúng tôi đã hợp tác cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và các chuyên gia của Viện Ghép gan trẻ em Nhật Bản. Bên cạnh việc hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép gan trẻ em, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể thực hiện ghép gan an toàn và hiệu quả nhất cho bệnh nhi”.
Sau 4 tuần chăm sóc tại Phòng Hồi sức sau ghép và Khoa Ngoại Gan Mật Tụy, da bé T. ngày càng hồng hào. Bé trở nên rất năng động, vui vẻ nô đùa cùng các bác sĩ, điều dưỡng. Ngày 21/12 vừa qua, bé T. đã được xuất viện. Sau phẫu thuật lấy gan 7 ngày, anh N. được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.