Học đường

'Tuyệt chiêu' săn học bổng quốc tế ngắn hạn của các cô gái năng động

Theo Dân Trí
Chia sẻ

Kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu của 5 cô gái xuất sắc, năng động đã từng tham gia các chương trình giao lưu quốc tế ngắn hạn nhằm phát triển bản thân, mở rộng tri thức, tìm hiểu và giao lưu văn hóa ở các quốc gia trên thế giới.

Talk show “Học bổng ngắn hạn: Bước chân nhỏ cho hành trình lớn” được tổ chức tại Hà Nội mới đây thu hút đông đảo bạn trẻ từ nhiều trường đại học tham dự.

Chương trình đã mang đến những thông tin về hướng dẫn cách phân loại, nguồn tìm kiếm thông tin, kiến thức - kỹ năng - thái độ cần chuẩn bị để săn tài trợ và kinh nghiệm tham gia các chương trình ngắn hạn.

Chị Lò Thanh Hòa chia sẻ hành trình của bản thân.

Cơ hội dành cho tất cả mọi người

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi nghèo khó của dân tộc Thái ở Sơn La, chị Lò Thanh Hòa từng không nghĩ đến chuyện đặt chân ra nước ngoài. Tuy nhiên, bằng chính nỗ lực săn học bổng tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á- Nhật Bản (SSEAYP), chương trình YSEALI Professional ở Mỹ và một số học bổng đến Úc, Thái Lan, chị Hòa nhấn mạnh “cơ hội dành cho mọi người”.

Theo cô gái dân tộc Thái, bạn trẻ cần chủ động nắm bắt cơ hội, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn. Năm 2014, khi phương tiện truyền thông xã hội chưa phổ biến ở tỉnh Sơn La, Hòa không hề biết “Tàu thanh niên Đông Nam Á” là gì. Làm việc trong tỉnh Đoàn Sơn La, chị biết thông tin về chương trình và được cơ quan ủng hộ tham gia từ cấp lãnh đạo nên mạnh dạn làm hồ sơ ứng tuyển.

Tự nhận hồ sơ của bản thân không xuất sắc, không giỏi tiếng Anh và không có tài lẻ nào, Hòa cho rằng sự tự tin và chân thật đã giúp chị được tham gia chuyến tàu tìm hiểu các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.

Đỗ Thị Thùy Quỳnh cho biết, cô chưa bao giờ tiếc khi mất phí tham dự các chương trình giao lưu quốc tế.

Chị Đỗ Thúy Quỳnh (Cựu Trưởng nhóm Phát triển mạng lưới - ASEAN Youth Organization - Việt Nam) cho biết, thông thường có 2 loại chương trình học bổng ngắn hạn: được tài trợ và phải trả phí. Nếu bạn trẻ thực sự muốn tham dự các chương trình thì không nên đắn đo quá nhiều đến rào cản chi phí.

“Một số chương trình thực tập, tình nguyện ngắn hạn yêu cầu người đi trả phí. Nếu thực sự muốn đi bạn trẻ có thể trả phí vì cơ hội được tham dự sẽ cao hơn (đối với các chương trình tài trợ thì yêu cầu cực kì cao).

Ở một chương trình nọ, mình mất phí 150 USD (khoảng 3,4 triệu đồng) và vé máy bay nhưng đổi lại mình có những trải nghiệm quý giá, thầy cô bạn bè mới, học thêm nhiều kỹ năng quan trọng. Trong khi đó với 150 đô thì không chắc mình được đi đến từng này nơi”, Quỳnh cho biết.

Cô gái này nhấn mạnh thêm, để đi du học ngắn hạn, những bạn có ý định đi cần xác định mục đích mình đi để làm gì, vì sao mình muốn tham gia chương trình đó. Đồng thời, bạn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước và tìm hiểu nơi mình đến, chuẩn bị những thứ cần mang theo để có một chuyến đi trải nghiệm đáng nhớ.

Chương trình thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.

Bí quyết vượt các cửa ải

Theo chị Trần Anh Phương (từng tham gia chương trình Trao đổi Thanh niên Canada - Việt Nam, chương trình giao lưu thanh niên Ấn Độ - Việt Nam), để chinh phục học bổng ngắn hạn quốc tế, bước đầu tiên là viết hồ sơ. Hồ sơ phải biết khai thác điểm mạnh phù hợp với chương trình.

“Mục đích của các chương trình thường là thúc đẩy tính đa dạng, phát triển khả năng lãnh đạo bởi vậy bạn trẻ nên viết về 2-3 dự án do bạn sáng lập, làm trưởng nhóm. Lưu ý không viết theo kiểu liệt kê mà phải thật sâu, viết gắn với mục tiêu phát triển bản thân”, Phương chia sẻ.

Chị Trần Anh Phương (giữa).

Theo chị Doãn Thanh Minh Hiền (Chương trình Hội nghị Quốc tế về Hợp tác Toàn cầu cho phụ nữ trẻ 2014, chương trình Asean - India Student Exchange Program 2014 - TW Đoàn), hồ sơ nên thể hiện mong muốn giải quyết các vấn đề xã hội của bản thân, hướng tới góp phần tay đổi cộng đồng.

“Để có cơ hội đi du học ngắn hạn, mỗi một chương trình đều có bộ tiêu chí riêng của nó. Đầu tiên, bạn phải hiểu được tiêu chí của chương trình, chuẩn bị hồ sơ đáp ứng được những tiêu chí đó.

Tuy nhiên, yêu cầu chung thì thường là khả năng lãnh đạo, những kinh nghiệm mình từng có về hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, xây dựng mạng lưới quan hệ… Khi học về, bạn có thể mang kiến thức đã học cho cộng đồng thế nào.

Nhiều chương trình đòi hỏi điểm trung bình (GPA) nhất định, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết trình, tiếng Anh…”, chị Hiền cho hay.

Diễn giả Doãn Thanh Minh Hiền (giữa).

Phỏng vấn cũng là một “cửa ải” quan trọng trong quá trình ứng tuyển. Chị Lò Thanh Hòa chia sẻ câu chuyện: “Ở phần thi năng khiếu vòng loại SSEAYP, mình quan sát thấy tất cả thí sinh, dù tài giỏi tới đâu, chỉ cần sử dụng quá thời gian quy định của Ban tổ chức khoảng 30 giây là bị loại. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý tôn trọng các quy định về thời gian hay về giới hạn từ trong khi viết bài luận”.

Năm 2015, cô gái Sơn La tiếp tục ứng tuyển chương trình YSEALI sang Mỹ. Khi nhận được câu hỏi phỏng vấn: “Bạn nghĩ bạn sẽ áp dụng được gì đã học về quản lý nhà nước ở bên Mỹ cho Việt Nam?”, Hòa đáp lại: “Thực sự, tôi không thể bê mô hình của Mỹ về Việt Nam nhưng tôi nghĩ sẽ học được những điều hay nhất để giúp Việt Nam có thể đạt được thành tựu như Mỹ đang có”. Từ kinh nghiệm, Thanh Hòa cho rằng, phải xác định rõ mục tiêu bản thân trước khi tham gia các chương trình học bổng giao lưu ngắn hạn.

Chị Bùi Thị Minh Ngọc (tham gia chương trình YSEALI Academic Fellows 2018 - Social Entrenpreneurship - Arizona State University) khuyên các bạn trẻ trúng tuyển đi với tâm thế như tờ giấy trắng, đi để trải nghiệm mở mang và học hỏi.

Một học bổng ngắn hạn có thể giao động khoảng 3 tháng hoặc hơn. Các bạn nên tránh bàn bạc trao đổi về các chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo vì rất có thể gặp phải những phần tử cực đoan

Chia sẻ

Bài viết

Theo Dân Trí

Tin mới nhất