Học đường

Cứ bảo sao sinh viên ngao ngán chê cơm KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, thì ra đây chính là lý do

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Tại KTX ĐHQG TP.HCM tập trung hàng nghìn sinh viên của các trường ĐH KHXH&NV, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật… sinh sống. Tuy nhiên, điều kiện ăn uống ở đây vẫn luôn là chuyện khiến nhiều sinh viên, phụ huynh băn khoăn khi món cơm thì nửa sống nửa chín còn canh được nấu theo kiểu "đại dương".

Để đáp ứng nhu cầu sinh viên, KTX ĐHQG đều đã bố trí nhiều nhà ăn dưới mỗi chân tòa nhà. Tại đây, mỗi phần ăn được bán với giá 15.000đ gồm một đĩa cơm có thức ăn mặn và một bát canh.

Dưới chân mỗi tòa nhà, ban Quản lí KTX bố trí 1 nhà ăn phục vụ cho các bạn sinh viên.

Ấm ảnh món cơm nửa sống nửa chín và canh “đại dương”

Ghi nhận của PV, tại các căng-tin trong khu vực KTX, các khay thức ăn ở đây được bày san sát nhau, không được che đậy kĩ càng. Nhân viên bán cơm cũng không đeo găng tay như quy định. Vào giờ cao điểm buổi trưa và chiều tối, bàn ghế đón hết lượt khách này đến khách khác mà không được lau dọn sạch sẽ, dưới sàn nhà, rác và giấy bẩn bừa bộn…

Tìm đến dãy nhà ăn B4 thuộc KTX khu B, chúng tôi gọi 1 phần cơm với giá 15.000 đồng, được gọi 2 món mặn. Cơm được cho rất nhiều nhưng không có món rau, 2 món mặn và một bát canh… chỉ toàn nước.

Phần cơm sinh viên mua tại một nhà ăn ở KTX gồm 2 món mặn và 1 bát canh với giá 15.000 đồng.

Cả cơm lẫn đồ ăn rất “khó nuốt”. Cơm hơi nhão nhưng thi thoảng có những chỗ còn chưa chín, thức ăn gồm trứng và thịt kho nhưng mùi vị đã ngai ngái như bị thiu. Khi nhân viên bưng bát canh ra, các bạn sinh viên nhìn mãi nhưng cũng không thấy cọng rau nào. Theo như lời mọi người nói, ăn canh ở kí túc xá giống như húp canh đại dương vì chỉ mênh mông toàn nước.

T.Đ (sinh viên năm 1, ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã sinh sống tại KTX ĐHQG gần 1 năm nay chia sẻ: “Từ khi chuyển vào KTX sống, hầu như chưa bao giờ mình ăn hết 1 dĩa cơm ở các nhà ăn, mình chỉ ăn cầm chừng, ăn cho có thế thôi chứ không biết ngon miệng là gì. Chưa kể, mỗi lần đi mua cơm phải xếp hàng đợi, ngán ngẩm lắm”.

Đi cùng Đạt, Gia Tường (sinh viên năm 4 ĐH Thể dục Thể thao, hiện đang sinh sống tại ĐHQG) cho biết: “Cả năm nay mình không ăn cơm ở KTX, cơm dở, đồ ăn không hợp khẩu vị, mà ngày nào thực đơn cũng bấy nhiêu món, khá là nghèo nàn. Mình có xe máy nên thường hay chạy ra các quán ăn bên ngoài, giá cả cũng bằng ở KTX nhưng món ăn đa dạng, có nhiều sự lựa chọn, hợp khẩu vị với mình hơn”.

Ngao ngán với chất lượng cơm căng tin KTX nhưng hàng chục nghìn SV tạm trú tại đây khó có lựa chọn khác. Khu B nằm cách nhà dân, khu chợ tạm khoảng 4km. Thời tiết nắng nóng khiến nhiều sinh viên rất ngại di chuyển.

Tiếp tục trò chuyện với Kim Oanh (Sinh viên năm 3, ĐH Nông Lâm TP.HCM) vừa bước ra khỏi một nhà ăn trong kí túc xá với bịch cơm trên tay, Oanh chia sẻ: “Mình chuyển vào KTX được 2 năm rồi, mọi thứ đều tốt trừ cơm ở đây. Mình đã đi ăn thử nhiều khu nhà ăn tại KTX nhưng không thể “chấm” được nhà ăn nào. Chê thì chê vậy đó nhưng cũng phải ráng mà ăn thôi, bởi các quán cơm bên ngoài cách xa KTX quá, mình lại không có xe máy nên không chủ động được phương tiện đi lại. Chính vì thế, hôm nào đi học ở trường, mình sẽ tranh thủ ăn cơm bên ngoài, thậm chí, mua về để dành cho buổi tối luôn”.

Quán ăn bên ngoài đa dạng món ăn, chế biến hấp dẫn, giá cả phải chăng

Theo lời giới thiệu của Kim Oanh, chúng tôi quay trở ra khỏi KTX ĐHQG và tìm đến quán cơm “ruột” của cô bạn này ở bên ngoài. Theo Oanh, đây là quán cơm mà Oanh cảm thấy ưng ý nhất, bởi các món ăn rất hợp khẩu vị, rau xào, rau sống đầy đủ, món ăn mặn đa dạng, cơm không bị khô, không phải ăn “canh đại dương” mà quan trọng là giá cả không bị chênh lệch.

Vào giờ cao điểm, quán ăn khá đông các bạn sinh viên, chủ quán và nhân viên phải luôn tay làm việc, thậm chí, nhiều bạn khác còn phải đứng chờ. Chúng tôi gọi phần cơm gồm: chả cá, trứng chiên, rau xào, rau sống ăn kèm, canh rau má thịt xay được mang ra. Với một suất ăn như thế này, chúng tôi cũng chỉ mất 15.000 đồng bằng giá cơm ở KTX. Tuy nhiên, có thể thấy, chất lượng cơm ở quán ăn bên ngoài này có sự khác biệt.

Đúng như lời giới thiệu của cô bạn Kim Oanh, cơm ở quán ăn bên ngoài không bị “nửa sống nửa chín”, thức ăn đậm đà, không còn phải thưởng thức món canh “đại dương” lèo tèo vài cọng rau.

Phần cơm 15.000 đồng mua tại quán ăn ngoài KTX cũng với giá 15.000 đồng nhưng đầy đủ rau xào, rau sống, thức ăn mặn, nước chấm, canh thịt.

Hữu Lộc (sinh viên năm 2, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) chia sẻ: “Gần như hôm nào đi học về, mình cũng ghé quán cơm này. Ở đây cô chú chủ quán rất dễ chịu với sinh viên, cơm và đồ ăn ngon miệng lại thoải mái, giá cả phù hợp nên không bao giờ lo bị đói bụng”.

Cùng ngồi ăn cơm với Hữu Lộc là cậu bạn Lê Văn Kiệt (cùng lớp với Lộc) cho biết: “ Lúc trước khi mới chuyển vào KTX, do chưa quen biết đường xá nên mình chỉ ăn cơm trong KTX thôi. Giờ khi đã rành đường, biết nhiều quán ăn ngon, mình đều chọn ra ngoài, tuy có hơi xa một chút nhưng được ăn ngon thì cũng chấp nhận”.

Hộp cơm cũng với giá 15.000 đồng được mua từ quán ăn bên ngoài trông khá hấp dẫn với món sườn nướng và trứng chiên.

Chất lượng bữa ăn sinh viên liệu có đảm bảo?

Trước đó, vào chiều 29/1, tài khoản D.L.T.H. đăng tải đoạn video phần cơm thịt kho trứng được cho là có dòi bò lúc nhúc.

Theo phản ánh, đây là phần cơm được mua từ nhà ăn ký túc xá khu B, ĐHQG TP.HCM. Ngay sau đó, video này được nhiều fanpage và sinh viên sống tại đây chia sẻ trên mạng. Nhiều sinh viên trong ký túc xá cho biết, đây không phải lần đầu tiên họ chứng kiến sự việc như thế này

Phần thức ăn mua tại KTX ĐHQG TPHCM có dòi lúc nhúc, được sinh viên phản ánh lại.

Liên quan đến vụ việc này, ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TP.HCM trao đổi với Zing.vn, đơn vị sai phạm lần này là một công ty dịch vụ, có đầy đủ giấy phép, chứng nhận vệ sinh thực phẩm nhưng đơn vị này không thực hiện việc chế biến tại nhà ăn ký túc xá mà chế biến ở một nơi khác, đến giờ cơm mới mang vào bán.

Vì sự việc gây hậu quả khá nghiêm trọng, nên Ban quản lý KTX quyết định cắt hợp đồng không cho bán cơm nữa.

Riêng các quán ăn ngoài khu vực KTX, đếm sơ sơ cũng có tới hàng chục quán ăn lớn nhỏ, từ 11 giờ 30 trở đi, các quán đều có rất đông sinh viên. Điều đáng nói, cơm bao no, thức ăn đa dạng nhưng lại có giá rất rẻ. Hầu hết các quán ăn đều niêm yết giá 15.000 đồng và suốt 5 năm nay không hề tăng giá, so với quán ăn bình dân trên phố và so với giá cả thị trường thì quả là siêu rẻ.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, hàng quán ở ngoài khu vực KTX này phần lớn là do người dân xung quanh bày bán tự phát, nhiều địa chỉ cũng không có giấy đăng ký kinh doanh hay lưu mẫu thức ăn.

Các quán ăn tại khu vực Làng đại học Thủ Đức khá lụp xụp, khu vực chế biến, bếp nấu ăn không đảm bảo vệ sinh.

Vẫn biết rằng, những suất cơm giá cả hợp lý đã và đang góp phần hỗ trợ rất nhiều sinh viên trong việc tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, trong khi giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm ngày càng tăng cao, tại không ít khu vực ở TP HCM, suất cơm sinh viên hiện vẫn được bán với giá rẻ đến đáng ngờ, thậm chí, mỗi đĩa cơm được bày biện rất nhiều thức ăn, cơm thêm hay canh thêm còn được miễn phí.

Trên thực tế, chỉ cần làm một phép tính đơn giản, ai cũng biết rằng, nếu sử dụng thực phẩm sạch, không thể duy trì việc kinh doanh dài lâu khi giá bán ra quá khiêm tốn như vậy. Thế nhưng, với những ai từng trải qua quãng đời sinh viên sẽ dư sức thấu hiểu rằng, việc ăn uống của sinh viên chỉ cần đáp ứng 3 tiêu chí: “Ngon - no - rẻ”, ngoài ra, những tiêu chí khác không quan trọng.

Có lẽ, những ai từng ghé ở làng Đại học Thủ Đức sẽ được nghe các bạn sinh viên rỉ tai nhau cơm ở đây là nhiều nhất, rẻ nhất và tất nhiên, chất lượng của nguồn thực phẩm mà những quán cơm này lấy vào cũng tỉ lệ thuận với giá họ bán ra.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất