Học đường

Sinh viên các trường ĐH tại TP.HCM tích cực hưởng ứng dự án 'Kí túc xá Xanh - nói không với túi nilon'

Hoàng An
Chia sẻ

Nhóm sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau lựa chọn hai khu nhà ăn có đông đảo lượng sinh viên tiêu thụ bao ni lông là E1, D5 và D6 tại kí túc xá khu B - ĐHQG TP. HCM làm nơi triển khai dự án Kí túc xá xanh (KTX) với phương châm màu xanh từ những lần không sử dụng bao ni lông.

Các bạn trẻ tiến hành đặt bàn tại khu vực ra vào ở nhà ăn E1 - KTX ĐHQG TP.HCM

Những con số biết nói về lượng bao ni lông, hộp, chai nhựa xốp sử dụng một lần thải ra bên ngoài mỗi năm đã phản ánh được thực trạng đáng báo động trong vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Mỗi một bao ni lông có tuổi đời từ 200 đến 500 năm ngoài tự nhiên, trong khi đó thời gian sử dụng chúng rất ngắn. Hiểu được vấn đề đó cùng mong muốn biến xu hướng “Sống xanh” không dừng lại ở một trào lưu, nhóm sinh viên đã chung tay thực hiện dự án với quy mô đầu tiên ở kí túc xá khu B- KTX ĐHQG TP.HCM, đánh mạnh vào khu vực tiêu thụ lượng bao ni lông lớn nhất là căn tin - nơi sinh viên có nhu cầu mang đồ ăn đi mỗi bữa trong ngày.

Dự án tuyên truyền, lan tỏa thông điệp của mình bằng hình thức cộng tác viên hỏi, sinh viên trả lời 2 câu hỏi liên quan đến chủ đề này tại vị trí đặt bàn để nhận được phần quà là bình thủy tinh, tiếp theo là chấp nhận thử thách “5 ngày mua cơm không dùng túi nilon” để nhận được phần quà giá trị hơn là hộp đựng cơm. Đây là giải pháp cho các bạn dần dần thay thế thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần vì ý nghĩ “tiện lợi”.

Những chiếc bình thủy tinh ẩn chứa thông điệp từ dự án đợi các bạn sinh viên “rinh” về dễ dàng

Hastag thể hiện thông điệp dự án của các bạn trẻ

Theo khảo sát của nhóm tại các căn tin, nhà ăn, mỗi bữa trong ngày cứ 100 phần cơm sẽ có 20 đến 30 phần mang về, tương đương với gần 40 - 60 bao ni lông thải ra ngoài môi trường. Chính vì quãng đường di chuyển lên phòng rất ngắn nên các bao bì nhanh chóng trở thành rác ngay sau đó, trong khi đó nếu ta chủ động dùng tô cá nhân hoặc hộp cơm riêng thì sẽ tiết kiệm được lượng bao bì không cần thiết đáng kể. Từ khi dự án bắt đầu đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía nhà ăn và hưởng ứng tích cực của các bạn sinh viên.

Phần quà khi bạn thành công với thử thách “5 ngày mua cơm không dùng túi nilon”

Thẻ tích XANH - chứng nhận cho sự thay đổi thói quen dùng vật đựng cá nhân khi đi mua cơm

Vị trí đặt bàn tại nhà ăn D5 - D6 - KTX ĐHQG TP.HCM

Lựa chọn vị trí làm dự án là khu vực nhà ăn, căn tin có ảnh hưởng rất lớn để khả năng tuyên truyền và vận động các bạn sinh viên khi tiêu thụ bao bì ở đây

Thay vì lựa chọn mang về phòng, bạn có thể ăn tại chỗ hoặc cầm trên tay phần gói về

Đội hình cộng tác viên tại sảnh nhà ăn D5 - D6

Sinh viên Lê Huyền Trâm (sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Luật) thành viên quản lý dự án Kí túc xá Xanh, bạn cho biết: “Dự án KTX Xanh diễn ra rất tự nhiên với mong muốn đem lại những hiệu quả thiết thực nhất cho môi trường dù toàn nhóm chỉ mới thực hiện ở quy mô nhỏ. Bước đầu với nhóm như thế đã khá thành công, các bạn sinh viên không chỉ tương tác tốt ở các vị trí chốt tại nhà ăn E1, D5 và D6 mà còn ở page của dự án trên facebook. Thực lòng nhóm mong muốn đem đến giải pháp lâu dài cho các bạn, chứ không chỉ hình thành được vài ba ngày rồi bỏ, phải cố gắng tuyên truyền làm sao cho các bạn tự ý thức sẽ tìm cách thức khác thay thế bao bì, chai nhựa và tự tìm ra cách sống thân thiện với môi trường của riêng mình, không chỉ dừng lại hai vật dụng thường ngày là bình nước, hộp cơm.”

Chia sẻ câu nói Trâm tâm đắc về vấn đề bảo vệ môi trường: Rồi đến một ngày, thế giới sẽ không cần những người thành công, mà là cần những người biết cứu lấy hành tinh này

Lựa chọn hành động nhỏ - kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng bao ni lông, từ đó sẽ hình thành ý thức lớn về bảo vệ môi trường là kim chỉ nam hoạt động của nhóm.

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng An

Tin mới nhất