Học đường

Thưởng học sinh giỏi bằng tiền mặt: Thực dụng hay thực tế?

Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ

"Ở cái tuổi "biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan" không nên cho các em tiếp xúc với tiền quá sớm. Nó có thể khiến các em trở nên thực dụng".

Mới đây, nhiều học sinh giỏi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã rất bất ngờ khi nhận phần thưởng dành cho học sinh tiêu biểu do Phòng GD-ĐT Cầu Giấy trao tặng.

Phần thưởng dành cho mỗi học sinh là bọc quà gói rất đẹp, bên ngoài dán tờ giấy in chữ “Khen thưởng học sinh tiêu biểu”. Mở quà ra, bên trong không có bất kỳ thứ gì ngoài tờ giấy A4 màu xanh.

Theo lãnh đạo phòng giáo dục quận Cầu Giấy, trước khi diễn ra lễ trao thưởng, đơn vị này đã chuyển tiền thưởng về cho nhà trường để nhà trường đưa cho phụ huynh học sinh.

Hiện không ít trường học đã trao thưởng cho học sinh bằng tiền mặt. Điều này khiến dư luận cảm thấy băn khoăn, liệu rằng việc dùng tiền để làm phần thưởng có phù hợp với môi trường học đường hay không?.

Phần thưởng tượng trưng chỉ là cái vỏ hộp.

Con trẻ trở nên thực dụng?

Trao đổi với phóng viên, chị Vũ Thanh Thảo (giáo viên một trường tiểu học tại Hải Phòng) cho biết, cá nhân chị không đồng tình với cách trao thưởng bằng tiền mặt cho học sinh, đặc biệt với học sinh tiểu học.

Theo chị Thảo, các em học sinh tiểu học giống như những trang giấy trắng, vẫn đang nằm trong sự bao bọc của gia đình và nhà trường. Ở lứa tuổi ấy, khi đạt được một thành tích trong học tập các em muốn được công nhận và phần thưởng nhận được cũng chính là minh chứng cho sự cố gắng của các em.

“Ngày nhỏ, những ai đã từng cầm quyển vở thưởng chạy về khoe ríu rít với người thân chắc chắn sẽ hiểu được phần thưởng đối với các em có ý nghĩa như thế nào.

Việc trao thưởng bằng tiền mặt có thể khiến cho các em nhỏ mất đi sự háo hức mỗi khi nhận được phần thưởng. Nhiều em học sinh tiểu học thậm chí còn chưa biết các sử dụng tiền, tất nhiên cha mẹ sẽ giúp các em sử dụng số tiền thưởng ấy nhưng nó sẽ không mang nhiều ý nghĩa đối với các em.

Ở cái tuổi “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” không nên cho các em tiếp xúc với tiền quá sớm. Nó có thể khiến các em trở nên thực dụng.

Con học tốt nhà thường thưởng tiền, vậy tại sao bố mẹ không thưởng tiền cho con? Thậm chí những việc nhà nhỏ nhặt cũng được các em đem ra để mặc cả bằng tiền. Tôi cho rằng đó là điều không nên”, nữ giáo viên chia sẻ.

Góc nhìn khác

Chị Hà Phượng (giáo viên một trường THCS ở Thái Bình) lại cho rằng, việc dùng hiện vật hay tiền mặt để làm phần thưởng cho học sinh đều có những ưu điểm và hạn chế.

“Nếu tặng phần thưởng bằng hiện vật thì cần phải tìm hiểu kĩ xem phần quà nào sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng/sở thích của HS, tránh tặng những hiện vật mà các em không cần tới.

Dùng tiền làm phần thưởng thì sẽ tiện hơn cho việc chuẩn bị của nhà trường (vì nó đơn giản), và học sinh có thể tự do sử dụng theo ý thích. Tuy vậy tôi cho rằng, tặng thưởng bằng hiện vật sẽ tốt hơn. Nó có thể tạo cho học sinh cảm giác háo hức khi nhận thưởng. Quà tặng cũng có giá trị lưu giữ lâu dài hơn tiền mặt”, chị Phương nêu quan điểm.

Theo chị Phượng, phần thưởng là thứ ghi nhận toàn bộ quá trình học tập của các em học sinh trong suốt một năm học. Dù là phần thưởng bằng hiện vật hay bằng tiền mặt cũng cần được trao một cách trang nghiêm, không thể trao thưởng qua loa cho qua chuyện, nó sẽ khiến việc trao thưởng mất đi ý nghĩa vốn có.

Ở một góc nhìn khác, chị Nguyễn Thị Thùy (giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội) lại ủng hộ việc trao thưởng bằng tiền mặt. Nữ giáo viên cho rằng:

“Trên một khía cạnh nào đó có nhiều người không thích việc trao thưởng bằng tiền mặt, nhưng tôi nghĩ mục đích đi học cuối cùng cũng là để có công ăn việc làm và kiếm ra tiền.

Các em có lẽ sẽ thích nhận tiền để mua thứ mình thích hơn là nhận những món quà không biết có phù hợp với chúng không. Ngoài ra, đối với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tiền thưởng đôi khi lại mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng…”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Báo Đất Việt

Tin mới nhất