Học đường

Bộ trưởng Giáo dục: Dùng 'giá dịch vụ' không phải là đổi tên học phí

Theo VnExpress
Chia sẻ

Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tên gọi "học phí" là khái niệm truyền thống nhưng không bao hàm hết chi phí dịch vụ đào tạo

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết việc chuyển từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” phù hợp với Luật giá, Luật Phí và lệ phí.

Theo Bộ trưởng, Điều 105 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vẫn quy định về học phí. Đó là khoản tiền người học phải nộp để trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục đào tạo. Cơ chế xác định và thu học phí được đổi mới theo Luật giá, cụ thể mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo.

Đến dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, căn cứ theo Luật giá, Luật phí và lệ phí, phí các loại dịch vụ, kiểm định được quy thành giá theo Luật giá. Điều 65 dự luật nêu rõ giá dịch vụ đào tạo là tất cả chi phí dịch vụ đào tạo tính đúng tính đủ mà cơ sở đào tạo cung cấp.

Cụ thể, giá dịch vụ đào tạo không chỉ có học phí mà còn chi phí Nhà nước đặt hàng đào tạo, chi phí tuyển sinh… Những dịch vụ Nhà nước đặt hàng phải áp dụng theo Luật giá, theo khung giá Nhà nước, chứ không tùy tiện.

Bộ trưởng Giáo dục nói về “giá dịch vụ đào tạo”.

Từ phân tích trên, Bộ trưởng Nhạ khẳng định việc chuyển từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” không phải là đổi tên. “Học phí là khái niệm nghe quen tai, có tính truyền thống, nhưng không bao hàm tất cả chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo. Việc dùng từ học phí hay giá dịch vụ đào tạo trước hết phải theo luật và vận dụng cho phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Dự luật Giáo dục đại học sửa đổi được Bộ trưởng Giáo dục trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng 30/5 có nội dung “sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí”.

Thẩm tra dự luật, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự luật.

“Việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục”, văn bản thẩm tra nêu rõ.

Điều 105 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định về học phí:

1. Học phí là khoản tiền phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Học sinh tiểu học trường công lập không phải nộp học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.

2. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phi quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo. Giá dịch vụ tuyển sinh là khoản tiền mà người dự tuyển phải nộp khi tham gia xét tuyển, thi tuyển sinh.

3. Chính phủ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Điều 65 dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi:

1. Dịch vụ đào tạo gồm: dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác theo quy định của pháp luật. Mức thu giá dịch vụ đào tạo được xác định theo quy định tại Điều 105 của Luật Giáo dục.

2. Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quy định khung giá và giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; khung giá, giá tối đa và giá cụ thể dịch vụ tuyển sinh.

Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất