Học đường

Sinh viên tình nguyện mùa thi THPT quốc gia - Nỗi lòng người vất vả vì sĩ tử nhưng vẫn bị chê không tiếc lời

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Bên cạnh những lời khen, sự trân trọng, không ít người lại cho rằng, sinh viên tình nguyện là những kẻ rỗi hơi hay thậm chí là "thánh sống ảo", đi làm công tác xã hội chỉ vì muốn có vài bức ảnh check-in trên facebook.

Nhà còn nghèo, việc học hành còn nặng nề nhưng vì sao sinh viên lại thích đi làm tình nguyện?

Một mùa thi nữa lại đến, đâu đâu tại các tuyến đường người ta sẽ dễ dàng bắt gặp màu áo xanh tình nguyện. Các cô cậu sinh viên này đã không quản khó khăn, mệt nhọc, sẵn sàng tiếp nước, phát cơm, tươi cười niềm nở với sĩ tử và phụ huynh. Thậm chí, bất kể nắng hay mưa, sinh viên trẻ còn xuống đường làm hàng rào phân cách giao thông để hỗ trợ sĩ tử 1 kỳ thi thuận lợi nhất.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp màu áo xanh tình nguyện của các bạn sinh viên ở nhiều tuyến đường trong kỳ thi tuyển sinh này.

Bên cạnh việc khiến nhiều người cảm động và khâm phục, hình ảnh sinh viên tình nguyện cũng bị mang ra tranh cãi rất nhiều. Không ít người lập luận rằng, sinh viên nhiều bạn gia cảnh khó khăn, việc học tập còn gian nan, vất vả. Vậy mà thay vì lo cho bố mẹ, người thân và lo cho chính mình thì họ lại mất quá nhiều thời gian đi làm tình nguyện. Những công việc “vô bổ” trong mùa thi không giúp sinh viên tình nguyện phát triển được kỹ năng gì. Bên cạnh đó, một vài “việc vặt” họ làm cũng không có nhiều ý nghĩa đối với phụ huynh, sĩ tử.

Mình nghĩ vài năm gần đây, điểm tổ chức thi đã rất gần nhà với sĩ tử. Việc đi lại không còn khó khăn như trước nên mình không còn đánh giá cao những chuyện mà sinh viên tình nguyện đã làm trong mùa thi THPT quốc gia“, anh Đình Anh (Hà Nội) lạnh lùng nhận xét.

Các cô cậu sinh viên rất nhiệt tình, sẵn sàng che nắng mưa để đảm bảo sức khỏe cho các bạn học sinh.

Tất nhiên, đó là quan điểm của một số người nhưng không phải là tất cả. Xuyên suốt mùa thi, chứng kiến cảnh tình nguyện viên đội nắng, dầm mưa chinh chiến cùng sĩ tử, ai cũng cảm thấy ấm lòng. Sự xuất hiện của họ khiến các bạn thí sinh tin rằng, trong trận chiến thi cử gian nan này, họ không hề đơn độc. Nắng dữ dội, tình nguyện viên che ô đi cùng, mưa lớn sĩ tử cũng không lo vì đã có các anh chị nhường ô cho. Có những lúc thí sinh ra về sớm vì không làm được bài, dù đang buồn biết bao nhiêu thì khi ra đến cổng trường cũng thấy nhẹ lòng hơn trước tràng pháo tay cổ vũ, động viên của các tình nguyện viên… Bấy nhiêu đó, chắc chắn đều là những tình cảm vô cùng đáng trân trọng.

Đối với sinh viên tình nguyện, niềm hạnh phúc đơn giản là khoảnh khắc họ đưa cho sĩ tử một chai nước lọc để giải nhiệt, che giúp các em một chiếc ô cho bớt nắng, tránh mưa… Khoảnh khắc nhìn sĩ tử cười, tự tin nói đã hoàn thành tốt bài thi dường như là phút giây hạnh phúc nhất, khiến trái tim tình nguyện viên rung lên vui sướng. Bao nhiêu vất vả sinh viên tình nguyện phải chịu đựng, cuối cùng cũng chỉ vì mong hàng triệu sĩ tử trên cả nước hoàn thành tốt bài thi, xứng đáng với 12 năm miệt mài đèn sách.

Nhận được lời cảm ơn từ phía sĩ tử hay phụ huynh hay không, với sinh viên tình nguyện không quan trọng. Khi đã xác định đi làm công tác xã hội, họ đã tự nhận mình ở tâm thế cho đi mà không cần đòi hỏi. Hơn nữa, những người đã từng trải qua kỳ thi tốt nghiệp, đại học như sinh viên tình nguyện luôn luôn đồng cảm, thấu hiểu cho nỗi vất vả, lo toan của thí sinh và cha mẹ.

Chỉ cần thấy các thí sinh bước ra khỏi phòng thi với nụ cười tươi, đội sinh viên tình nguyện cũng vì thế mà nhẹ lòng, vui mừng theo.

Hà Thị Như (1999, sinh viên năm nhất ĐH KHXH&NV TP.HCM) tham gia hỗ trợ các thí sinh trong kỳ thi THPT 2018 cắm chốt tại điểm thi THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia hỗ trợ kì thi với vai trò là 1 sinh viên tình nguyện, quả thực, cảm giác thích thú và có phần tự hào vô cùng. Năm ngoái, mình cũng giống các sĩ tử năm nay, bỡ ngỡ và lo lắng nhưng may mắn được sự hỗ trợ của các anh chị sinh viên tình nguyện mà mình đã vượt qua kì thi suôn sẻ. Từ đó, mình cũng ấp ủ ước muốn sẽ là một cô sinh viên khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, ngày hôm nay, điều mình ấp ủ ấy đã thành hiện thực.

“Có lẽ với mỗi người thì suy nghĩ về sứ mệnh của màu áo xanh tình nguyện lại khác nhau, có những người cho rằng tụi mình ” ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng “, những người khác lại xì xào bảo rằng tụi mình đang lấy cớ để tụ tập, vui chơi… thế nhưng, đó chỉ là số ít, mình tin rằng, việc làm của tụi mình vẫn sẽ có nhiều người thật sự trân trọng sự và ghi nhận”, bạn Thanh Hoa (sinh viên ĐH Sài Gòn) cho biết.

“Ai cũng giành phần nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai”

Chúng ta nhắc đến sinh viên tình nguyện không chỉ ở chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” mà rộng hơn nữa là các chiến dịch “Xuân tình nguyện”, “mùa hè xanh”… Bên cạnh việc tham gia tình nguyện, các cô cậu này còn phải quan tâm đến việc học của mình, thế nhưng, bằng tấm lòng nhân ái, ý thức tự giác và tinh thần tình nguyện mà những cô cậu này đã sẵn sàng làm các công việc khó khăn, gian khổ mà không nhất thiết phải có quyền lợi vật chất cho bản thân.

Nắng nôi, mệt nhọc nhưng trên gương mặt của những cô cậu sinh viên vẫn luôn rạng ngời bởi niềm vui giúp ích cho cuộc sống này.

Trên những nẻo đường tình nguyện xanh, mỗi mùa thi, mỗi cái Tết, mỗi dịp hè chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những sinh viên tình nguyện giúp đỡ các bạn thí sinh, giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số, dạy học cho các em nhỏ vùng cao hay mang một cái Tết ấm đến cho những cụ già neo đơn ở Trại phong. Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng đã góp phần thể hiện sức trẻ, tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Việc làm của họ không hề được thưởng thù lao hay mang lại lợi ích cho cá nhân mà đó chỉ là những hành động xuất phát từ trái tim con người.

Qủa thực không phải ai cũng làm được điều này. Thử hỏi nếu không có những cô cậu sinh viên tình nguyện này, những mùa thi tới, sĩ tử và phụ huynh phải chật vật, khổ sở như thế nào?; thử hỏi “ai cũng giành phần nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Các bạn tình nguyện viên chuẩn bị sẵn rất nhiều nước mát để phục vụ cho sĩ tử và phụ huynh.

Phạm Xuân Phước (học sinh lớp 12B, trường THPT Bùi Thị Xuân) chia sẻ: “Sáng nay mình thi môn Văn đầu tiên, kết quả không ưng ý lắm nhưng lúc thi xong, bước ra cổng, mình được các anh chị sinh viên tình nguyện hỏi han và động viên khiến mình bớt lo âu đi nhiều. Bên cạnh đó, mình còn được phát cơm và nước miễn phí để ăn uống buổi trưa, mình rất cảm kích. Theo mình biết, khi bọn mình vào phòng thi thì các anh chị vẫn phải đứng ở trước cổng trường để chờ đón bọn mình ra, mà thời tiết khá nóng nực, sự nhiệt tình của các anh chị khiến những thí sinh như mình cảm thấy được yêu thương, che chở. Năm sau nhất định, mình sẽ đứng trong hàng ngũ sinh viên tình nguyện ấy”.

Cô Phạm Mai Tuyết (Q.3, TP.HCM) là phụ huynh có con gái tham gia kỳ thi THPT 2018, trong lúc con vào thi, cô Tuyết cũng đứng ngoài cổng trường chờ con, cô này chia sẻ: “Sớm nay, các bạn sinh viên tình nguyện có mặt rất sớm, nhìn các cháu vất vả đứng dưới trời nắng, cô thấy thương quá. Mấy cháu này cũng chừng tuổi con gái lớn của cô, quả thật, nếu phải chứng kiến con gái mình đội nắng mưa đi lo chuyện “bao đồng”, không công cán gì, cô cũng xót xa vô cùng. Nhưng nghĩ lại, còn trẻ thì tham gia các hoạt động có ích cho xã hội sẽ tốt hơn là chỉ biết vui chơi tiêu khiển. Cô rất trân trọng và cảm động các cháu sinh viên tình nguyện, cảm ơn các cháu”.

Một tình nguyện viên đang hướng dẫn cách sử dụng thiết bị điện tử cho phụ huynh lớn tuổi.

Có thể nói rằng, trở thành công việc tình nguyện đã mang đến cho các cô cậu sinh viên những điều đẹp đẽ đến nhường nào. Bất cứ ai đã từng trải qua công việc đáng trân trọng này sẽ thấy rằng những cô cậu sinh viên bỡ ngỡ ngày nào, giờ đã trở thành những thanh niên đầy nhiệt huyết, trưởng thành và vững vàng hơn trong mọi chuyện.

Trở thành sinh viên tình nguyện, nghĩa là các bạn ấy đã can đảm đương đầu với khó khăn, thay vì chùn bước và rơi lệ. Các bạn ấy đã tự biết cách vượt qua nỗi nhớ nhà và mở lòng san sẻ với đồng đội khi chung niềm vui, sẻ nửa nỗi buồn. Dẫu biết mỗi người đều có cái tôi riêng của mình nhưng khi hoạt động cùng nhau, tất cả đều hoà cái tôi cá nhân vào với cái tôi của tập thể, biết lo lắng, quan tâm đến mọi người, biết cống hiến và cùng nhau trưởng thành.

Chúng ta hay nhắc đến “duyên phận”, có lẽ “duyên phận” tuổi trẻ của các cô cậu sinh viên nhiệt huyết ấy chính là khoác lên mình màu áo xanh ấy và cống hiến tuổi trẻ, đam mê, nhiệt thành cho cuộc sống này, để thêm bản lĩnh, thêm kiên cường, hi sinh và trưởng thành hơn.

Cùng nhìn lại những hình ảnh đẹp của sinh viên tình nguyện trong kỳ thi THPT 2018:

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin mới nhất