Học đường

Sau những vụ 'phù phép' điểm thi chấn động 2018: Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ có 5 thay đổi quan trọng để chặn đứng gian lận

Vương Phi
Chia sẻ

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có những thay đổi về khâu chấm thi, bảo mật nhằm ngăn chặn việc gian lận thi cử.

Phù phép nâng cao hàng chục điểm, mất 6 giây để sửa xong 1 bài

Năm 2018, tại một số địa phương như Hà Giang, Hòa Bình… xảy ra tình trạng gian lận điểm thi nghiêm trọng. Với thủ đoạn tinh vi, sửa đáp án ngay trên phiếu trắc nghiệm, mới đây, Bộ Công an mới chính thức công bố kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Điểm thi thật và số điểm được phù phép của các thí sinh gian lận ở Hà Giang.

Theo kết quả điều tra, có tới 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. 140/210 bài thi của 56 thí sinh đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Các bài thi này đã được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi. Kết quả chấm thẩm định cho thấy thí sinh có điểm chênh lệch cao nhất ở 1 môn là 9,25 điểm/môn. Thậm chí, có thí sinh có điểm chênh lệch cao nhất ở 3 môn là 26,45 điểm.

Trước đó, tại Hà Giang, dư luận cũng từng xôn xao vì quy trình 6 giây sửa điểm 1 bài thi. Phát biểu trước báo giới ngày 17/7/2018, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã có tất cả 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh cao hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Với số điểm được phù phép tăng cao hàng chục điểm, sau khi công bố điểm chấm thẩm định, nhiều thí sinh Hà Giang rơi thẳng từ top điểm cao xuống mức trượt tốt nghiệp.

Năm nay, kỳ thi THPT Quốc gia vẫn sẽ diễn ra theo hướng đổi mới và hoàn thiện hơn.

5 thay đổi chặn đứng gian lận điểm thi THPT Quốc gia

Trước những thiếu sót trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, năm nay để đảm bảo tính công bằng của cuộc thi, Bộ GD&ĐT đã có nhiều phương án mới, trong đó phải kể đến 5 thay đổi quan trọng sau:

Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

Trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm

Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH cử người để Giám đốc Sở GDĐT ra Quyết định thành lập Ban Chấm thi trắc nghiệm. Ban Chấm thi trắc nghiệm chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia.

Thành phần của Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm: Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi…

Điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ

Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày

Chấm bằng phần mềm chuyên dụng của Bộ GDĐT

Theo dự thảo quy chế thi, các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GDĐT cung cấp.

Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi, dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra đĩa CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong; bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ; 1 bộ đĩa gửi về Bộ GDĐT để quản lý và giám sát; đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ GDĐT.

Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, Tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì.

Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia

Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất