Học đường

Sai phạm thi THPT quốc gia ở Sơn La: Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cùng 4 thuộc cấp dưới đã sửa điểm cho thí sinh như thế nào?

Vương Phi (TH)
Chia sẻ

Sai phạm điểm thi ở Sơn La đã diễn ra như thế nào và số phận các thí sinh có điểm thi cao bất thường do được sửa kết quả sẽ ra sao có lẽ là 2 câu hỏi được quan tâm nhất lúc này - sau khi Tổ công tác công bố những kết luận điều tra ban đầu.

Theo thông tin từ Tổ công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo, qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến các sai phạm quy chế thi tại Sơn La gồm:

- Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT

- Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT

- Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng

- Ông Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu

- Ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT.

Những cán bộ này là các thành viên trong tổ chấm thi trắc nghiệm, trong đó ông Yến là Phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT). Ảnh: Văn Phú/ VnMedia.

Theo dõi vụ việc sai phạm liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại Sơn La, nhiều người dễ nhận thấy những tình tiết cực nghiêm trọng khi người vi phạm lại là người đứng đầu tổ chấm thi trắc nghiệm đồng thời cũng giữ chức vụ rất cao trong toàn ban chấm thi.

Đánh giá về sai phạm tại Sơn La, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng vụ việc có tính chất nghiệm trọng và phức tạp hơn Hà Giang. Sau 5 ngày làm việc, vào trưa qua (23/7), ông Trinh cho biết quá trình rà soát điểm thi vẫn chưa kết thúc, Cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành việc xác minh làm rõ.

Sai phạm trong khâu chấm thi trắc nghiệm của Sơn La ở mức “tinh vi”, đến nay vẫn chưa thể chấm thẩm định

Trong vụ việc tại Sơn La, Cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm (phiếu trả lời trắc nghiệm) của một số thí sinh (TS).

Tuy nhiên, số lượng bài thi bị sửa, tẩy xóa là bao nhiêu, Tổ công tác chưa thể kết luận vì file ảnh quét lưu lại để chấm đang phù hợp với phiếu trả lời trắc nghiệm hiện có. Đó là lý do Tổ công tác chưa thể tiến hành chấm thẩm định. “Chúng tôi chưa đủ thời gian để kiểm đếm bao nhiêu bài thi trắc nghiệm bị chỉnh sửa vì số lượng bài thi rất lớn” - ông Trinh nói.

Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của TS), sau đó mới cho máy chấm thi. Hình ảnh quét bằng ảnh này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đã bị người khác thay thế.

Các thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Dân trí.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa.

Như vậy có thể hiểu những người gây ra sai phạm điểm thi tại Sơn La đã sửa đáp án ngay trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Ảnh gốc chụp phiếu trả lời ban đầu đã bị xóa và thay thế dữ liệu bằng phiếu mới đã bị chỉnh sửa. Do giữ liệu gửi về Bộ Giáo dục & Đào tạo hoàn toàn trùng khớp với các bài thi hiện có nên việc chấm thẩm định là vô nghĩa.

Cách làm này so với ở Hà Giang là tinh vi và khó phát hiện hơn bởi vì theo điều tra, sai phạm ở Hà Giang là do ông Lương sửa điểm ngay trên phần mềm khi chuyển từ file ảnh sang file text. Điều này giúp ông Lương có thể sửa điểm thi rất nhanh (6s/1 bài) nhưng vì dữ liệu gốc gửi về Bộ GD&ĐT không bị ảnh hưởng nên công tác chấm thẩm định sẽ dễ dàng phát hiện sai phạm.

Đối với vụ việc ở Sơn La, do người sửa điểm đã xóa mất dữ liệu gốc nên việc trả điểm thực về cho TS Sơn La hiện nay phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.

Tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi” - dẫn theo báo Thanh niên.

Số phận những thí sinh được sửa bài, nâng điểm thi ở Sơn La sẽ ra sao?

Đối với các bài thi môn Ngữ văn, ngay trong chiều 23/7, Sở GDĐT Sơn La sẽ chính thức cập nhật kết quả chấm thẩm định trên hệ thống. Sở sẽ thông báo cho những thí sinh có điểm thi chênh lệch biết. Như vậy, những thí sinh được nâng điểm môn Ngữ văn sẽ được trả lại điểm thật.

Riêng điểm thi môn trắc nghiệm, tạm thời vẫn lấy kết quả công bố ngày 11/7.

Thí sinh có điểm thi bất thường vẫn được sử dụng kết quả đã công bố để xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Phóng viên báo chí tham dự cuộc cung cấp thông tin ở Sở GD-ĐT Sơn La. Ảnh: Thanh niên.

Trước hướng xử lý tạm thời công nhận kết quả thi THPT quốc gia môn trắc nghiệm ở Sơn La, nhiều phóng viên đưa ra những băn khoăn về việc “liệu có nên để các trường đại học kiểm tra đầu vào với đối tượng nghi vấn điểm thi bất thường”?

Về điều này, ông Trinh cho biết, công tác tuyển sinh trên tinh thần tự chủ của các trường đại học, nên các trường có quyền đề xuất và thực hiện nếu cần thiết. Nếu các trường đề nghị kiểm tra đầu vào thí sinh có diện nghi ngờ, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ. Bộ GD&ĐT cho hay tạm thời chấp nhận kết quả này. Sau này, thí sinh trúng tuyển nhưng phát hiện sai phạm sẽ bị đuổi học.

Chúng ta không có cách nào khác. Giải pháp tối ưu hiện nay, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em, thì chúng ta tạm thời chấp nhận kết quả này. Khi có kết quả xử lý thì chắc chắn các em không đủ điểm sẽ phải ra ngoài. Chúng ta phải chờ thôi” - ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Trước những sai phạm trong công tác chấm thi, ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho hay ông sẽ giải quyết triệt để kết luận của đoàn công tác, cầu thị, không bao che, lỗi đến đâu xử lý đến đó. Xử lý nghiêm trách nhiệm của từng cấp, từng người có giải pháp xử lý đồng bộ. Cũng theo ông Thủy, không ai vui khi sự việc xảy ra, chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở. Trách nhiệm của lãnh đạo Sơn La là cầu thị và minh bạch, không bao che, sai đến đâu sửa đến đó.

Những bất thường điểm thi của Sơn La

Theo phân tích từ kết quả thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố ngày 11.7, năm 2018, tỉnh Sơn La có 10.250 TS dự thi môn toán, trong đó có 30 TS đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,29%. Tỷ lệ này của Sơn La chỉ kém Hà Giang (điểm đã được sửa, công bố lần đầu) với mức hơn 1%, cao gấp gần 3 lần Hà Nội (0,1%), hơn 7 lần so với TP.HCM (0,04%) và hơn 4 lần so với Nam Định (0,07%) và cao hơn gần 5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%.

Với môn vật lý, thống kê số điểm từ 9 trở lên của Sơn La cũng cao vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, Sơn La có 1.339 TS dự thi môn này thì có 13 TS đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,97%, cao hơn 3 lần so với Hà Nội (0,29%), gấp 4 lần so với Nam Định (0,24%) và 12 lần so với TP.HCM (0,08%).

Xét theo các khối thi, với khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), cả nước có 82 TS đạt mức điểm từ 27 trở lên thì Sơn La là tỉnh xếp thứ 3 với 8 TS. Ở khối D1 (toán, văn, tiếng Anh), Sơn La đứng đầu cả nước về số lượng TS đạt trên 27 điểm. Cả nước chỉ có 17 TS thuộc 9 tỉnh, thành đạt mức điểm này, riêng Sơn La có 7 TS (chiếm hơn 41%). Ở khối C3 (toán, ngữ văn, lịch sử), cả nước chỉ có 10 TS mức điểm từ 27 trở lên thì riêng Sơn La đã có 6, chiếm tới 60%. Khối D9 (toán, lịch sử, tiếng Anh), cả nước có 10 TS mức điểm từ 27 trở lên thì Sơn La có 4 TS, chiếm 40%.

Theo Thanh niên

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi (TH)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất