Học đường

Quá nhiều ưu đãi, sinh viên nước này sướng đến độ không muốn tốt nghiệp

Hà Anh
Chia sẻ

Nhiều người nói rằng sinh viên đại học ở Đan Mạch là "sướng nhất trần đời" khi đây là một trong số ít những quốc gia miễn học phí cho sinh viên. Tuy nhiên, Đan Mạch hiện đang phải đối mặt với tình trạng sinh viên lười tốt nghiệp, mãi không muốn ra trường.

Đan Mạch là một trong số ít quốc gia trên thế giới ban hành chính sách miễn phí giáo dục dành cho sinh viên. Thanh niên của nước này gần như không phải nghĩ đến hoàn cảnh nợ nần cũng như chịu áp lực về việc phải chọn hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Không chỉ được hưởng chính sách giáo dục miễn phí, sinh viên ở Đan Mạch cũng được nhận trợ cấp 1.000 USD hàng tháng để phục vụ việc mua sắm học tập tốt nhất. Đối chiếu với cuộc sống ở Việt Nam, đây hẳn là mức thu nhập của một kỹ sư, giám đốc chứ chẳng phải thu nhập của sinh viên mới ra trường đi làm. Chính điều này khiến Đan Mạch luôn nằm trong danh sách quốc gia có chỉ số hạnh phúc thuộc hàng cao nhất thế giới.

Sinh viên Đan Mạch lười tốt nghiệp hàng loạt khiến người dân nước này phản ánh - (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong lực lượng lao động cho rằng chính sách này là một phần nguyên nhân khiến thanh niên ở độ tuổi 20 của nước này không thể “trưởng thành được”. Cụm từ “sinh viên vĩnh cửu” dùng để chỉ những bạn sinh viên đã theo học 6 năm hoặc hơn mà không thể ra trường, hoặc không có kế hoạch tốt nghiệp. Họ cho rằng việc giáo dục thế hệ trẻ là để tạo ra những nhân tài năng động, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước chứ không phải là một tập thể ì ạch, lười biếng, mãi không chịu tốt nghiệp chỉ vì muốn tận hưởng sự ưu đãi.

Quả thật, nhiều sinh viên ở Đan Mạch luôn lấy nhiều lý do để chuyển từ chương trình học này sang chương trình học khác nhưng không phải vì muốn có thêm nhiều kiến thức ở các chuyên ngành khác nhau mà vì muốn có quãng thời gian nhởn nhơ trên ghế giảng đường, cùng số tiền hỗ trợ hàng tháng. Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, rất nhiều bạn còn mơ hồ, phân vân, thậm chí chưa có một hoạch định rõ ràng.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Đan Mạch đã cho thông qua các cải cách học tập trong trường đại học. Theo đó, nhà trường sẽ có nhiều quyền lực hơn để thúc ép học sinh phải tốt nghiệp đúng quy định cũng như không thay đổi chương trình học vào những năm cuối cùng.

Động thái bất ngờ trên của chính phủ khiến nhiều sinh viên phản đối gay gắt vì cho rằng họ bị mất quyền lựa chọn cũng như không có tự do trong môi trường đại học. Song nhiều ý kiến phân tích rằng hành động này có thể đem về thêm khoảng 266 triệu USD tiền thuế cho nền kinh tế và giúp hệ thống trường học trở nên hiệu quả hơn. Quyết định trên nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều người dân trong nước.

Miễn học phí không có nghĩa là…miễn tốt nghiệp (Ảnh minh họa)

Chương trình miễn học phí đã được mở rộng trong những năm qua, vì vậy khi cải cách này được đưa ra, một sinh viên đại học đã mất một khoảng thời gian dài hơn chương trình học bình thường là một năm rưỡi”, Søren Nedergaard, một quan chức của Bộ Giáo dục Đại học và Khoa học Đan Mạch, nói với tờ The Atlantic.

Với những hành động cương quyết cùng những quy định được ban hành khắt khe hơn, chính phủ Đan Mạch bộc lộ rõ mong muốn dừng lại việc tồn đọng những “sinh viên vĩnh cửu”, để việc miễn phí học tập có tác dụng đúng đắn là giảm những áp lực tài chính, giúp sinh viên có môi trường học thoải mái hơn chứ không phải là để những sinh viên lười biếng lợi dụng.

Thực tế cho thấy, tình trạng sinh viên lười tốt nghiệp đang giảm dần nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn trong các trường đại học. Người dân Đan Mạch thậm chí có từ “fjumreår”, hoặc “năm học của những kẻ ngốc”, khi có những sinh viên chỉ học ít môn còn lại dành thời gian đi du lịch.

Daniel Borup Jakobsen, một sinh viên 24 tuổi mới tốt nghiệp và là phó chủ tịch của công ty phần mềm Plecto, nói với tờ Business Insider rằng ông không xem chính sách miễn phí học tập là thất bại, nhưng cái gì cũng sẽ có hai mặt của nó: “Một số người tìm kiếm câu trả lời cho việc liệu sinh viên trong chương trình giáo dục đại học miễn phí có động cơ để học tập chăm chỉ như những người phải trả phí hay không? Theo tôi, 2 điều đó không tương quan với nhau. Tôi tin rằng động lực để thành công trong học tập không liên quan việc bạn có phải trả phí để đi học hay không”, ông nhấn mạnh.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Anh

tag-icon
Tin mới nhất