Học đường

Ông đồ phải có trình độ như thế nào mới được tham gia cho chữ dịp đầu năm ở Văn Miếu?

Hà Trang (Tổng hợp)
Chia sẻ

Người viết được thư pháp phải có học vấn rất cao và khả năng cảm thụ tốt. Những ông đồ mà chúng ta thường hay gặp để xin chữ ngày Tết phải trải qua cuộc sát hạch rất khó khăn để có thể đảm nhiệm được công việc cao quý này.

Người Việt Nam bao đời vẫn luôn có thói quen xin chữ đầu năm để thể hiện bản sắc văn hóa của gia đình, cũng là để kỳ vọng những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển của các ông đồ như chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, bình an và gặt hái nhiều thành công.

Xin chữ là hoạt động thường niên dịp đầu năm của nhiều gia đình

Đi xin chữ trở thành một sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc. Và những người cho chữ- những ông đồ phải là những người có tài, có tâm, có đức mới có thể ở vị trí được kính trọng và đảm nhận công việc ban phát chữ nghĩa cầu may mắn cho mọi người.

Ngày xưa, trong nền khoa cử Nho học, những người học sinh (anh khóa) đã thi qua 3 kỳ thi đỗ Tú Tài (trước 1828 gọi là Sinh đồ) - tên dân gian gọi là ông Đồ. Ngày nay, để trở thành nhà thư pháp tham gia vào sự kiện này, các ông đồ phải trải qua kỳ sát hạch rất chặt chẽ với thành phần Ban giám khảo là những người có trình độ học vấn, có thủ pháp trong giới thư pháp và được giới thứ pháp vinh danh.

Cụ thể, các ông đồ phải kinh qua 2 phần thi là phạm văn và thực hành. Ở phần thi phạm văn, đối với thư pháp Hán - Nôm, các ông đồ sẽ được kiểm tra kiến thức chữ nghĩa Hán Nôm cơ bản. Đối với thư pháp Quốc ngữ, ông đồ sẽ phải giải nghĩa một đoạn văn bia Tiến sĩ theo chủ đề “Văn hiến”.

Ở phần thi thực hành, những người đăng ký sẽ được kiểm tra trình độ thư pháp bao gồm tính liên kết và logic của nội dung, hình thức tác phẩm, kỹ pháp viết, bố cục, đường nét, lạc khoản, ấn chương…

Còn nhớ việc thi tuyển lần đầu tiên diễn ra vào năm 2015 đã gây xôn xao với con số 70% ông đồ thi rớt vì chữ viết xấu, viết không đúng chữ. Năm 2016, phần thi sát hạch phục vụ Hội chữ Xuân Mậu Tuất đã loại 42 ông đồ không đủ tiêu chuẩn, trình độ.

Ông đồ phải là người có tâm, tài, đức và trình độ học vấn cao mới có thể đảm nhiệm

Trả lời trên báo Dân trí, ông Trương Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp UNESCO từng chia sẻ, yêu cầu của các bài thi là phải có chương pháp hoặc bố cục rõ ràng, chữ đẹp, thẩm mỹ, trình bày đúng chỗ… chỉ cần sai vị trí là không đạt.

“Trình độ viết một bức thư pháp là phải biết thâu tóm mọi yêu cầu. Viết câu đối, hoành phi không cao hoặc thấp quá. Viết xong phải trình bày được ý tưởng thể hiện. Chúng tôi đi vào mặt chữ để loại những người không biết chữ. Không thể để tình trạng người dân đến xin chữ A mà về thành chữ B được”, ông Chí nói.

Những người được cấp “thẻ hành nghề” 3 năm là những người đỗ chính thức, còn những thí sinh đỗ vớt chỉ được hoạt động trong 1 năm, năm sau sẽ phải sát hạch lại. Điều này nhằm góp phần phân loại, nâng cao chất lượng thư pháp Việt Nam.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Trang (Tổng hợp)

Tin mới nhất