Học đường

Nỗi lòng sinh viên mùa dịch: Không dám rời Sài Gòn vì sợ ảnh hưởng đến cộng đồng, nguy cơ thất nghiệp

Nhật Minh
Chia sẻ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều sinh viên đã quyết định bám trụ lại mảnh đất Sài Gòn, một phần vì khoảng cách địa lí, mặt khác vì an toàn sức khỏe cộng đồng.

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động từ kinh tế, xã hội cho đến cả hoạt động giáo dục, đặc biệt là tại TP HCM - "điểm nóng" của dịch Covid-19 trong suốt những ngày vừa qua với trung bình hơn 1.000 ca nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày.

Trước tình hình này, nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố đã cho sinh viên tạm ngừng việc đến trường để đảm bảo an toàn sức khỏe. Tuy vậy đa phần các sinh viên đang sinh sống và học tập tại TP HCM cũng không thể nào về quê được vì... chẳng biết đâu mà lường.

Không về vì sợ ảnh hưởng đến người thân...

Trần Nhựt Nam, sinh năm 4 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM chọn ở lại thành phố thay vì quay về quê để tránh dịch như các lần trước đây. Được biết ở đợt dịch năm 2020 cũng như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Nhựt Nam đều tranh thủ quay trở về quê nhà ở An Giang.

"Những đợt Sài Gòn bùng dịch trước đây, tôi đều tranh thủ quay về nhà với bố mẹ. Dù phải mất 6 - 8 tiếng chạy xe máy nhưng cũng không sao bởi ở lại thì cũng chỉ nằm ở trọ, chẳng làm được gì. Lần này vì bất khả kháng nên tôi cũng không về quê được, đành ở lại thành phố cho tiện cả đôi đường".

Trong đợt dịch này, Nhựt Nam vẫn quyết định ở lại Sài Gòn

Mặt khác nguyên nhân khiến Nhựt Nam quyết tâm bám trụ lại TP HCM trong đợt dịch lịch sử này chính là sự an toàn cho sức khỏe gia đình cũng như cộng đồng.

"Trước khi thành phố 'đóng cửa' thì mình cũng bâng khuâng, không biết có nên về quê hay không. Thế nhưng suy đi nghĩ lại thì thấy nhà mình toàn là người lớn tuổi, phụ nữ và có cả em nhỏ nên nghĩ là nhỡ mình mang mầm bệnh trong người thì phải làm sao. Chưa kể đến các địa điểm mà mình ghé qua trên đường về nữa, sẽ rất ảnh hưởng đến cộng đồng".

Nhựt Nam nói thêm: "Mình nghĩ rằng cách phòng dịch tốt nhất là hạn chế di chuyển lúc này, ai ở đâu cứ ở yên ở đó, nếu quê là vùng không dịch thì lại càng không nên nên về, còn không thì ở lại để chính quyền địa phương dễ quản lý. Càng khiến cho mọi người ở tuyến đầu cũng đỡ hơn phần nào".

Nam sinh chọn cách học thêm tiếng Anh, các kỹ năng trên Internet trong những ngày ở nhà giãn cách

Về phải cách ly, chi phí còn đắt gấp bội...

Một trường hợp khác quyết định bám trụ lại Sài Gòn trong đợt dịch lần này chính là bạn Đậu Thị Thanh, sinh viên năm 4 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP HCM. Cô nàng sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Sau bao nỗ lực, cô gái nhỏ nhắn ấy đã đỗ vào trường ĐH lớn nhất nhì thành phố.

Trong đợt dịch kéo dài này, Thanh quyết định ở lại thay vì về quê như mọi khi: "Đợt này mình cũng dự định sẽ về quê bởi ngay từ cuối tháng 5 là hầu như các môn học của mình trên lớp đã kết thúc, không vướng bận gì cả. Tuy nhiên sau đó mình định nán lại để kiếm thêm ít tiền từ việc làm thêm bên ngoài nên quyết định không về".

Nữ sinh Đậu Thị Thanh

Sau khi tình hình dịch bệnh tiếp tục chuyển biến xấu, thành phố lần lượt ban hành các chỉ thị về phòng chống dịch nên công việc làm thêm của cô nàng cũng bị tạm dừng. Đáng nói, chính Đậu Thị Thanh cũng bất đắc dĩ trở thành F2 và buộc phải cách ly tại nhà.

"Mình định kiếm thêm ít tiền để trang trải cuộc sống nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp nên chỗ mình làm thêm tạm thời đóng cửa theo chỉ thị của thành phố. Mình cũng từng tiếp xúc với một F1 nên hiện đang phải tự cách ly tại nhà, không dám bước ra khỏi phòng".

Đối diện nguy cơ thất nghiệp cao

Chia sẻ với SAOstar, bạn Nhựt Nam còn cho biết thêm, bản thân đang lo sợ vì thấy tương lai của mình khá bấp bênh: "Chỉ ít tháng nữa là mình tốt nghiệp rồi nhưng dịch bệnh kiểu này thì không chỉ mình mà nhiều sinh viên cùng khóa chắc chắn cũng lo sợ không kém. Đó chính là nỗi lo thiếu việc làm, thất nghiệp".

Được biết đây không phải là tình trạng chung của Nhựt Nam mà còn là nỗi lo của các sinh viên cùng khóa trên cả nước, dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm 2021 này.

Chia sẻ thêm về điều này, bạn Trần Cao Thanh Ngân, sinh viên trường ĐH An Giang cho biết, dù theo học đúng chuyên ngành và thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp, thế nhưng bản thân Thanh Ngân vẫn rất khó khăn trong tìm kiếm một công việc ổn định.

Thanh Ngân cho biết, bản thân mình cũng như các bạn cùng khóa đang đối diện nguy cơ thất nghiệp cao trong tình cảnh dịch Covid-19 hiện nay

"Mình đã hoàn tất các môn học và chỉ chờ làm lễ tốt nghiệp thôi, tuy nhiên mình cũng gặp vô vàn khó khăn trong quá trình xin việc làm. Cầm hồ sơ xin việc mà đi từ công ty này đến công ty khác đều lắc đầu, không phải là do mình không có năng lực mà do các công ty đa phần đang cắt giảm nhân sự trong mùa dịch khó khăn này".

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất