Học đường

Những quy định khắt khe về đồng phục, nội quy tại nhiều trường Đại học khiến sinh viên tranh cãi dữ dội

Sơn Ca
Chia sẻ

Không phải cứ lên Đại học là thoải mái về cách ăn mặc đâu nhé, nhiều sinh viên đang phải "than trời" vì những quy định về trang phục mà nhà trường đề ra. 

ĐH Công Nghiệp Thực phẩm TP.HCM cấm sinh viên cạo trọc đầu, bắt buộc mặc đồng phục suốt tuần

Trong nội quy học đường Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vừa ban hành ngày 21/11, có đưa ra quy định sinh viên mặc đồng phục suốt cả tuần, đeo thẻ sinh viên khi đến trường học tập hoặc liên hệ làm việc với các bộ phận chức năng trong trường khiến nhiều sinh viên không đồng tình.

Ngoài ra, sinh viên cũng cần có quần áo sạch sẽ, chỉnh tề, đầu tóc nam nữ phải gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt là sinh viên không được cạo đầu trọc (trừ trường hợp đang điều trị bệnh hoặc nhà tu hành đang theo học, sinh viên nam không để tóc dài…).

Đồng phục của các sinh viên ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

Ngay sau khi xuất hiện trên một diễn đàn sinh viên của trường (do sinh viên tự lập) đã ngay lập tức gây ra nhiều tranh luận. Theo đó, có rất nhiều bạn cho rằng nội quy mới của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM quá cứng nhắc, hạn chế tự do cá nhân, không tôn trọng người học. Đồng thời cho rằng quy định của nhà trường giống như dành cho các bạn học sinh tiểu học, không phù hợp ở môi trường Đại học.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tranh luận cho rằng đã là quy định thì nên chấp hành nghiêm túc.

Nhiều ý kiến tranh cãi sau quy định bắt buộc sinh viên mặc đồng phục cả tuần, cấm sinh viên cạo trọc đầu.

Trước vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết từ lâu theo quan điểm chung của trường, cần mặc đồng phục để nhận diện thương hiệu. Sinh viên chỉ bị bắt buộc mặc áo đồng phục của trường, còn có thể mặc quần, váy… tùy từng người.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất là trường quy định điều này để không có khoảng cách giàu nghèo trong học sinh, sinh viên. Điều kiện của sinh viên không phải ai cũng giống nhau. Mặc đồng phục đến lớp ai cũng như ai. Sinh viên cũng không phải ai cũng có nhận thức về ăn mặc, mặc đồng phục là tốt nhất” - tiến sĩ Hoàn nói.

Được biết, đây là lần thứ hai quy định về đồng phục của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vấp phải sự phản ứng của phần đông sinh viên.

Sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM không được mang giày cao gót

Tháng 6/2019, ĐH Bách Khoa TP.HCM đăng tải dự thảo nội quy học đường để lấy ý kiến về việc sinh viên không được mang giày cao gót, hạn chế mặc quần jean,…

Đặc biệt với các nữ sinh, dự thảo này quy định rõ: “Không được mặc quần lửng, áo thun không cổ (ngoài trừ đồng phục thể dục và sự kiện do trường tổ chức), áo dây, áo sát nách, áo lửng, dép lê, dép cao gót. Hạn chế mặc quần chất liệu jean hoặc nhung”.

Sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM không được mang giày cao gót, hạn chế mặc quần Jean. Ảnh minh họa

Dự thảo này đã nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều, các bạn sinh viên chỉ ra, có một số điều khá là khắt khe cần điều chỉnh cụ thể hơn, đặc biệt là quy định không được mang giày cao gót.

Nhiều ý kiến cho rằng sinh viên mang giày cao gót không tạo vẻ năng động, không phù hợp với môi trường học đường hay những giờ học thể chất.

Dự thảo trước đó được Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lấy ý kiến.

Bên cạnh ý kiến về việc mang giày cao gót, một số sinh viên cũng không đồng tình với quy định hạn chế mặc quần jean bởi trang phục này khá phổ biến, dễ mặc và không quá bất lịch sự ở môi trường học đường. Theo đó, các bạn sinh viên cho rằng yêu cầu về quần jean cũng cần chỉnh sửa lại.

Quy định sinh viên không được mang giày cao gót đã được trường ĐH Bách khoa TP.HCM từng được đưa vào nội quy từ năm 2008 và nay tiếp tục được đưa vào dự thảo của nội quy mới. Ngay từ lúc đặt ra quy định này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều, gây xôn xao từ cộng đồng sinh viên.

Đại học Bách Khoa TP.HCM

Liên quan đến vụ việc, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện dự thảo này mới được đưa ra để đóng góp ý kiến, chưa phải quy định chính thức. Theo ông Phúc, dự thảo này sẽ còn được góp ý để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn.

ĐH Tài chính - Marketing bắt sinh viên phải mặc áo thun có cổ

Tháng 10/2018, Đại học Tài chính - Marketing ban hành nội quy học đường quy định trang phục đến trường của sinh viên là áo sơmi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.

Ngoài ra, sinh viên không được nhuộm tóc nhiều màu sắc quá nổi bật, hoặc cắt theo kiểu không bình thường, không cạo trọc đầu (trừ sinh viên là tu sĩ hoặc có bệnh về tóc)…

Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng từng gây xôn xao vì những nội quy dành cho sinh viên. 

Ngay lập tức, nội quy của trường ĐH này cũng gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Theo nhiều sinh viên, áo thun hiện nay phần lớn là không cổ vì nó thời trang, năng động và thoáng mát. Bên cạnh đó, vận áo thun không cổ đến trường cũng không hẳn là thiếu lịch sự hoặc ăn mặc hở hang. Chính vì thế sau khi ban hành, quy định mới này đang khiến nhiều sinh viên phản ứng.

Trên các diễn đàn của sinh viên Đại học Tài chính - Marketing, nhiều sinh viên liên tục bày tỏ thái độ bức xúc. Theo các bạn, mặc áo thun không cổ miễn đảm bảo tính lịch sự kín đáo thì vẫn có thể chấp nhận được và rất mong BGH sẽ xem xét lại.

Trước vấn đề này, TS Lê Trung Đạo (Phó hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing) khẳng định, trường ban hành nội quy theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường không cấm sinh viên mặc áo không cổ nhưng khuyến khích họ nên mặc áo thun có cổ, trang phục thể dục, truyền thống của trường hoặc áo sơ mi để lịch sự khi vào trường.

Đại học Y cấm sinh viên không được mặc quần jean đến trường

Năm 2014, ĐH Y khiến cộng đồng mạng dậy sóng tranh cãi bởi theo Quy chế văn hóa của trường ban hành từ, sinh viên đến trường phải mang thẻ sinh viên, học viên do nhà trường cấp; mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần…

Quy định này vấp phải làn sóng phản ứng của sinh viên bởi trang phục quần jean, áo phông vốn là sự lựa chọn phổ biến của rất nhiều người. Chúng không chỉ có thiết kế trẻ trung, năng động mà còn có giá thành hợp lý, vừa túi tiền sinh viên.

Ảnh minh họa

Đa số sinh viên đều cho rằng, quần jeans đi với áo sơ mi hoặc áo phông không cổ vẫn là một sự kết hợp đẹp mắt và tiện dụng. Nếu trường cấm thì chỉ nên cấm những loại quần như cạp trễ, quần rách, quần quá thùng thình.

ĐH Ngân hàng kiểm tra đồng phục sinh viên gắt gao 

Đại học Ngân hàng TP HCM từng khiến rất nhiều sinh viên bức xúc vì quy định tất cả sinh viên phải mặc đồng phục vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Trong khi bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ và TCCN không được bắt buộc sinh viên, học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường - nên việc Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt sinh viên mặc đồng phục là không đúng với quy định của Bộ.

Theo quy định ĐH Ngân hàng TP.HCM đưa ra, ngày thứ 2 hàng tuần sinh viên nữ mặc áo dài xanh (có thêu logo trường), quần trắng; sinh viên nam mặc áo sơ mi trắng dài tay (có in logo trường), quần sẫm màu, áo bỏ trong quần.

Thư viện ĐH Ngân Hàng.

Ngày thứ 6 sinh viên nữ mặc áo sơ mi vàng tay lửng,có nơ (có in logo trường), chân đầm màu đen, áo bỏ trong quần; Sinh viên nam mặc áo sơ mi vàng lửng (có in logo trường), quần sẫm màu, áo bỏ trong quần.

Các ngày còn lại trong tuần sinh viên ăn mặc lịch sự, kín đáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa học đường; không mặc quần cạp trễ, quần lửng, áo hở lưng, trang phục vải quá mỏng, quá bó sát, không đi dép lê, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ…

Nếu sinh viên không tuân thủ sẽ xử lý vi phạm nội quy sinh viên, tùy vào số lần vi phạm sinh viên có thể không được giảng viên cho phép vào học, bị cán bộ lớp nhắc nhở và ghi lại số lần vi phạm để chấm điểm rèn luyện.

Đồng phục của ĐH Ngân hàng TP.HCM

Đồng thời văn phòng thanh tra cùng BCH Đoàn trường sẽ phối hợp kiểm tra từng lớp học trên giảng đường vào ngày thứ 2, thứ 6 và một số ngày bất kỳ trong tuần. Nếu sinh viên vi phạm sẽ lập biên bản vi phạm có sự xác nhận của giảng viên đứng lớp, chuyển kết quả kiểm tra về phòng Công tác sinh viên để xử lý; Thông báo tới giảng viên cố vấn nắm thông tin làm cơ sở đánh giá sinh viên…

Quy định này khiến sinh viên Ngân hàng vô cùng bất bình và ra sức phản đối. Các bạn cho rằng việc kiểm tra như vậy sẽ gây nhốn nháo, xôn xao trong lớp học, việc học tập sẽ bị gián đoạn và các bạn sinh viên cũng sẽ bị phân tâm, không thể tập trung học hành cùng nhiều bất tiện khác. Là sinh viên đã lớn các bạn có thể tự ý thức chứ không cần thiết phải kiểm tra hàng tuần giống như học sinh tiểu học, trung học.

Chia sẻ

Bài viết

Sơn Ca

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất