Học đường

Những đối tượng nào được xét tuyển thẳng vào ĐHQG Hà Nội?

Nhật Minh
Chia sẻ

Mới đây, ĐHQG Hà Nội đã công bố văn bản hướng dẫn xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác vào đại học năm 2020.

Mới đây, ĐHQG Hà Nội đã có văn bản số 1469/ĐHQGHN-ĐT hướng dẫn xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác vào đại học năm 2020. Trong đó có 4 trường hợp học sinh được xét tuyển thẳng vào trường.

ĐHQG Hà Nội mới đây đã công bố các phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển trong năm 2020. Ảnh minh họa

Trường hợp 1, học sinh hệ chuyên của 2 trường trung học phổ thông (THPT) thuộc Đại học Quốc gia được xét tuyển thẳng và xét tuyển với yêu cầu tốt nghiệp THPT, hạnh kiểm 3 năm học đạt loại Tốt và đáp ứng một trong các tiêu chí phụ như: là thành viên đội tuyển dự kỳ thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế.

Thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp Đại học Quốc gia, kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên bậc THPT, và kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia.

Có điểm trung bình chung học tập năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên; điểm trung bình chung học tập của 3 môn tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ đạt từ 8,0 trở lên.

Trường hợp 2, học sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xét tuyển thẳng và xét tuyển nếu đáp ứng các yêu cầu như học sinh hệ chuyên của 2 trường THPT chuyên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường hợp 3, học sinh hệ không chuyên của các trường THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc đại học. Học sinh đảm bảo yêu cầu phải tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm 3 năm học THPT đạt loại Tốt và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; đạt giải chính thức trong kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên bậc THPT được tổ chức hàng năm;

Thí sinh có điểm trung bình chung học tập mỗi học kỳ năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,5 trở lên và điểm trung bình chung học tập của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong 5 học kỳ đạt từ 9,0 trở lên.

Trường hợp 4, học sinh các trường THPT trên toàn quốc được xét tuyển thẳng và xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội phải tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm 3 năm học THPT đạt loại Tốt.

Thí sinh đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Là thành viên tham gia cuộc thi tháng của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức hàng năm; đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố. Tất cả các thí sinh đều phải đảm bảo có điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ (năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) đạt từ 8,0 trở lên.

Đơn vị quy định cụ thể các tiêu chí xét tuyển dựa trên kết quả học tập, thứ tự ưu tiên xét tuyển thẳng kết quả cuộc thi, giải thưởng thí sinh đạt được và các tiêu chí phụ khác (nếu có).

Thí sinh đáp ứng tiêu chí tại các trường hợp trên không dùng quyền xét tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển nếu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành trong năm tuyển sinh.

Căn cứ các quy định trên, đơn vị quy định cụ thể về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, bao gồm: ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo thí sinh được xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển tương ứng với loại giải và môn thi của thí sinh đoạt giải hoặc môn chuyên của thí sinh (các đơn vị có thể bổ sung thêm các ngành đúng, ngành gần đối với từng môn thi học sinh giỏi quốc gia hoặc môn chuyên phù hợp với yêu cầu đầu vào của ngành đào tạo), chỉ tiêu cho từng ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo, quy trình xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, của ĐHQGHN và các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 26/5/2020.

Căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các đơn vị xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/nhóm ngành và báo cáo ĐHQGHN phê duyệt (trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề - các ngành này do Bộ GDĐT xác định).

Sẽ có 4 trường hợp học sinh được xét tuyển thẳng vào trường. Ảnh minh họa

Tổ chức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển:

Nguyên tắc xét tuyển vào ngành đúng trước, sau đó xét tuyển vào ngành gần; xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu dành cho từng phương thức.

Tiêu chí, quy trình xét và xếp ngành học xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của trường phải được công bố trong Đề án, thông báo tuyển sinh của đơn vị.

Thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin về điều kiện, hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định chung của Bộ GDĐT, của ĐHQGHN và theo hướng dẫn chi tiết của đơn vị.

Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội cũng xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT, IELTS.

Cụ thể, xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Anh) theo điểm 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn theo các tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).

Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên. Mã đăng ký của ĐHQGHN với Tổ chức thi SAT (The College Board) là 7853-Vietnam National University-Hanoi (thí sinh phải khai báo mã đăng ký trên khi đăng ký thi SAT).

Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36, trong đó các điểm thành phần môn Toán (Mathematics) ≥ 35/60 và môn Khoa học (Science) ≥ 22/40.

Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (bảng quy đổi điểm trong phụ lục 2) hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác (quy định tại Phụ lục 3) và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm trong kỳ thi THPT năm 2020.

Lưu ý, các chứng chỉ này phải còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm (tính từ ngày dự thi).

Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 2 nguyện vọng vào trường thành viên/khoa trực thuộc và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký;

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, hình thức xác nhận do Hội đồng tuyển sinh quy định. Quá thời hạn quy định, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất